Giữ giá xăng dầu, ngăn trục lợi giá đất

Thứ năm, 17 Tháng 3 2022 15:39 (GMT+7)
Những vấn đề nóng như điều hành, cung ứng xăng dầu và các quy định về đấu giá đất được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 16-3
 
Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), sáng 16-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) QH về các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, trong đó nổi cộm là công tác điều hành, cung ứng xăng dầu. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH tổ chức phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường (TN-MT) với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
 
Nghiên cứu nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia
Các ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên), Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp)... đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về tình trạng khan hiếm xăng dầu, cửa hàng xăng dầu treo biển "hết hàng". Có hay không việc găm hàng và đề nghị làm rõ trách nhiệm của ngành công thương cũng như giải pháp căn cơ để bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết nước ta hiện có 2 nhà máy lọc dầu lớn. Nhà máy Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30%-35%. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả. Nguồn cung xăng dầu gặp vấn đề khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất do khó khăn về tài chính.
 
Bộ đã chỉ đạo hệ thống doanh nghiệp (DN) đầu mối tăng lượng nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa. "Khi nào PVN cam kết chắc chắn trước Bộ Công Thương rằng sản lượng lấy từ Nhà máy Nghi Sơn bảo đảm nguồn cung theo kế hoạch thì bộ mới dừng nhập khẩu xăng dầu" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
 
Về giải pháp căn cơ, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của DN trong nước, nhất là DN vừa khai thác vừa chế biến xăng dầu.
 
Giữ giá xăng dầu, ngăn trục lợi giá đất - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh: NHẬT BẮC
 
Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định nước ta chưa tự chủ được nguồn cung xăng dầu mà còn phụ thuộc nhập khẩu. Chính phủ đã yêu cầu PVN sớm đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, cần tăng sản lượng khai thác, chú trọng việc tìm kiếm, thăm dò thêm các mỏ dầu mới trong bối cảnh hiện mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước.
 
Cho rằng vẫn còn một số bất cập trong điều hành hợp đồng khoan thăm dò, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách để khi khoan được dầu thô thì ưu tiên phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước, phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên này.
 
Tại phiên chất vấn, ĐB Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp), ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đặt vấn đề khả năng giảm giá xăng dầu trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định điều này phụ thuộc thị trường thế giới. Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ sử dụng các công cụ bình ổn để kìm đà tăng giá trong nước thấp hơn thế giới và tăng ở mức "chấp nhận được". Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện chỉ còn xấp xỉ 600 tỉ đồng, trong khi quỹ này tại nhiều DN lớn đã âm.
 
Nếu quỹ cạn, công cụ thuế, phí được sử dụng. Nếu thuế, phí giảm hết cỡ mà giá vẫn cao thì phải sử dụng quỹ an sinh hỗ trợ người dân, hỗ trợ thuế DN sử dụng nhiều xăng dầu. Bộ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét để quỹ bình ổn hoạt động hiệu quả hơn, nghiên cứu tăng quy mô quỹ.
 
Các ĐB cũng chất vấn "tư lệnh" ngành công thương về việc thực hiện quy định dự trữ lưu thông xăng dầu trong 20 ngày. Đây cũng là vấn đề mà Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm rõ. "Các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của DN hay không? Không thể nói thiếu hàng 1-2 ngày mà mất nguồn cung, không có xăng để bán được" - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần có cơ chế tách dự trữ quốc gia và dự trữ xăng dầu thương mại thì việc vận hành sẽ tốt hơn. Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý dự trữ quốc gia và nâng cao mức dự trữ xăng dầu quốc gia để tình huống bất trắc có nguồn dùng được 1-2 tháng.
 
Rõ hành vi trục lợi sẽ xử lý hình sự
Tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TN-MT, ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) chất vấn về hiện tượng bắt tay ngầm, nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều so với giá khởi điểm.
 
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nêu một số giải pháp, đó là cần có phương pháp, trình tự để đấu giá đối với tài sản đất đai; tăng cường kỷ cương đối với DN; kiểm tra, thanh tra, điều tra đối với các cơ quan công quyền suy thoái, cung cấp thông tin rồi cùng với các nhà đấu giá hưởng lợi phi pháp.
 
Giữ giá xăng dầu, ngăn trục lợi giá đất - Ảnh 2.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ảnh: NHẬT BẮC
 
ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đề nghị bộ trưởng nêu quan điểm về việc có nên hình sự hóa hành vi lũng đoạn thị trường bất động sản và ví dụ cụ thể vụ bỏ cọc ở dự án Thủ Thiêm (TP HCM). Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần xử lý nghiêm hành vi gây lũng loạn thị trường đất đai nhưng trong nhiều trường hợp, chính sách đưa ra để thị trường vận hành hiệu quả thì công cụ hành chính, kể cả hình sự lại chưa hợp lý. Trong vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, cần điều tra, nếu có hành vi rõ mới có thể hình sự hóa.
 
Chính phủ đang giao cơ quan có trách nhiệm điều tra vụ việc ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên, giải pháp mà Bộ TN-MT đưa ra là người đấu giá xong phải trả tiền ngay trong 10 ngày thay vì 90 ngày như hiện nay để cá nhân, tổ chức đấu giá thắng không đủ thời gian để trục lợi. Tiền đặt trước, đặt cọc hiện chỉ 5%-10%, cần xem xét tăng lên; cùng với đó, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm...
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đề nghị siết lại các quy định về đấu giá đất để bảo đảm đấu giá chặt chẽ hơn.
 
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản có liên quan, không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá đất để trục lợi; đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá; việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. 
 
Thủ tướng chỉ đạo về Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Chiều 16-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với PVN về tình hình năm 2021, hai tháng đầu năm 2022 và kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc PVN, cho biết trong 2 tháng đầu năm, sản lượng khai thác dầu đạt gần 1,8 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch. Tuy nhiên, tình hình thế giới diễn biến phức tạp dẫn đến biến động giá và ảnh hưởng đến cung cầu dầu thô, xăng dầu, phân bón.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, khó dự đoán, liên quan trực tiếp tới hoạt động dầu khí; những địa bàn, đối tượng mà PVN đang hợp tác đều chịu tác động. Do đó, PVN phải nhanh chóng thích ứng tình hình và linh hoạt xử lý các vấn đề cụ thể thuộc chức năng, thẩm quyền, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng. Với các dự án cụ thể, Thủ tướng đề nghị PVN tập trung đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp, lộ trình xử lý, đặc biệt là tập trung giải quyết vấn đề liên quan Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thủ tướng yêu cầu PVN cùng các cơ quan liên quan nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có an ninh kinh tế; kiên định các nguyên tắc bất di bất dịch như giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhưng linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể, tính toán, cân nhắc việc gì tốt nhất cho đất nước thì làm.
T.Dũng
Bảo đảm vốn cho DN nhập khẩu xăng dầu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện một số giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt.
Theo đó, cần chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhất là các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm, để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu, góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; đồng thời đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cấp tín dụng.
D.Ngọc
 

 

Bài viết mới nhất của Xã Hội