Ngành thủy sản tìm cách vượt qua thách thức

Thứ hai, 28 Tháng 11 2022 08:40 (GMT+7)
Trước những khó khăn do đơn hàng giảm và lãi suất tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không nên bi quan mà cần tiếp tục cầm cự, nắm bắt cơ hội trong thời gian tới
 
Sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu và đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản đang có xu hướng giảm dù đã vào thời gian cao điểm tiêu dùng cuối năm.
 
Ấn tượng thị trường Mỹ
 
Tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng" tổ chức ở TP Cần Thơ cuối tuần qua, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết xuất khẩu thủy sản năm nay dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỉ USD, cá tra khoảng 2,5 tỉ USD, hải sản 3,2 tỉ USD, cá ngừ 1 tỉ USD...
 
Ngành thủy sản tìm cách vượt qua thách thức - Ảnh 1.
Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Cà Mau .Ảnh: NGỌC TRINH
 
Các sản phẩm xuất khẩu đều tăng trưởng từ 18% đến 77%. Các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu; riêng Mỹ lần đầu tiên đạt trên 2 tỉ USD.
 
Theo Tổng Thư ký VASEP, giai đoạn 2003 - 2004, Việt Nam phải đối diện 2 vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ với tôm và cá tra. Khi đó, không ai nghĩ rằng Việt Nam có thể xuất khẩu thủy sản mạnh trở lại. Tuy nhiên, sau vụ việc này khoảng 3-4 năm, xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng rất nhanh. Đến nay, Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
 
"Khi dịch COVID-19 lên đỉnh điểm, DN nuôi trồng thủy sản đã chủ động kiến nghị các cơ quan, ban ngành, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ. Thực tế, việc này giúp DN phục hồi nhanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chủ động nắm bắt cơ hội" - ông Hòe đánh giá.
 
Về thách thức của ngành thủy sản - xét ở khía cạnh nguyên liệu chế biến, ông Hòe nêu ra một số khó khăn. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản ngày càng bị thu hẹp nên khó phát triển ngành công nghiệp này, nhiều nơi không đủ diện tích làm trang trại để ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm giảm giá thành, cạnh tranh với sản phẩm của các nước...
 
Cuối quý I/2023 sẽ hồi phục?
 
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho biết trong cơ cấu xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2022, thủy sản là ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2021 - trên 30%. Việc sử dụng vốn huy động của các công ty niêm yết trong ngành thủy sản khá ổn định, doanh thu tạo ra hài hòa với lượng vốn. Trong năm 2022, các công ty niêm yết trong ngành thủy sản có cơ cấu vốn khá tốt so với các ngành công nghiệp.
 
Ông Đinh Thế Hiển nhận định về khó khăn trong quý IV/2022 và năm 2023: "Trừ Mỹ, tỉ giá tại các thị trường lớn đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao ở EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngành thủy sản sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu qua các nước này bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với nội tệ của họ. Các vấn đề liên quan ngành thủy sản đều đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung - dài hạn để ngành này giữ được phong độ tăng trưởng và nhắm tới mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2030".
 
Bên cạnh đó, DN xuất khẩu cần vượt qua nhiều thách thức khác như: cạnh tranh về giá, phí vận chuyển cao, vấn đề môi trường, chế biến sâu, ổn định nguyên liệu… Tất cả những khó khăn này đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư hệ thống kinh doanh - sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị mà ngân hàng thương mại khó đáp ứng. Biến động tỉ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến hàng tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những nước có chi phí, giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ cũng là những thách thức với ngành thủy sản trong năm 2023.
 
Đề cập việc vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, TS Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết DN này đã xây dựng chiến lược hoạt động 5 năm, trong đó có chiến lược tài chính. Hiện nay, các ngân hàng thương mại không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của DN nên Sao Ta coi trọng việc huy động trên thị trường chứng khoán, xem đây là kênh cơ bản để chủ động nguồn vốn hoạt động.
 
"DN hoạt động không thể không có thông tin nên phải thường xuyên thu thập, tổng hợp, nhận định, đánh giá và xử lý kịp thời. Ngoài ra, cần giảm ngay các chi phí, nêu cao tiết kiệm trong DN. Vấn đề cốt lõi là chú trọng ứng dụng công nghệ trong sản xuất, cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa, sử dụng phần mềm để nâng cao quản trị DN thì chắc chắn sẽ tăng năng suất, giảm thiểu lệ thuộc lao động, với ngành sản xuất thực phẩm thì giảm rủi ro cho chất lượng sản phẩm" - ông Lực nhìn nhận.
 
Trước những thách thức do đơn hàng giảm, lãi suất tăng, nhiều DN thủy sản tỏ ra lo ngại về triển vọng xuất khẩu trong năm 2023. Theo ông Trương Đình Hòe, việc xuất khẩu thủy sản không hẳn bi quan song tình hình thực tế khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023.
 
"Thị trường xuất khẩu thủy sản không thể xuống mãi được, sẽ có lúc lên nhưng quan trọng là lên trở lại khi nào. Nhiều người hy vọng là cuối quý I/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu tình hình kinh tế thế giới cải thiện và nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023" - Tổng Thư ký VASEP kỳ vọng. 
 
 
Dòng vốn sẽ bình thường trở lại
 
TS Đinh Thế Hiển cho rằng trong quý IV/2022, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ hoạt động ổn định; quý I/2023 sẽ ổn định hệ thống trái phiếu DN và thị trường bất động sản. Đến quý II/2023, hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với DN sản xuất - kinh doanh. Nhiều ngân hàng đang chờ sẵn chỉ tiêu cho các DN sản xuất - kinh doanh để đến quý I/2023 lập tức giải ngân, lúc này dòng vốn sẽ bớt khó khăn.
 
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội