* Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, TP HCM gặp nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Có nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan, trong đó lớn nhất vẫn là con người - cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC). Rõ ràng, những năm gần đây, tính năng động, sáng tạo của CB-CC-VC thành phố phần nào suy giảm.
- Phó Bí thư Thành ủy TP HCM NGUYỄN HỒ HẢI: Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 lần thứ 20 về tình hình kinh tế xã hội quý I/2023 và nhiệm vụ quý II, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã từng nhận định: "Dự báo tình hình năm 2023 sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có mặt khó khăn hơn năm 2021. Thực tế đã và đang diễn ra như chúng ta dự báo. Khó khăn đã tác động trực tiếp, sâu sắc nhiều mặt, ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và TP HCM nói riêng".
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM NGUYỄN HỒ HẢI
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cũng đã nêu: "Thời gian qua, từ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố... đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, phân công việc cụ thể nhưng kết quả chưa đạt mong muốn là có nhiều nguyên nhân. Không phải chúng ta làm việc không có trọng tâm, không hiệu quả hay bị rối, mà phải xem xét ở góc độ thành phố có độ mở rất cao, độ nhạy cảm gần như đồng thời với kinh tế thế giới, nên bất kỳ biến động nào của thế giới thì TP HCM là nơi chịu ảnh hưởng trước và nặng nề".
Thật vậy, một phần khó khăn gặp phải thời gian qua có nguyên nhân từ một bộ phận CB-CC-VC e ngại, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan nhất thì sự lo ngại ấy không phải không có cơ sở khi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn có sự chưa đồng bộ, bất cập và chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống.
Vì vậy, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 124 của Ban Thường vụ Thành ủy được triển khai trở thành một yếu tố thuận lợi để đội ngũ CB-CC-VC tại các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, tự tin và không ngừng đặt ra các mục tiêu phấn đấu, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
* Thưa Phó Bí thư, thời gian qua, TP HCM đã có giải pháp gì để tạo động lực, giúp CB-CC yên tâm làm việc vì lợi ích chung của thành phố?
- Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch số 124 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ CB năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", Bí thư Thành ủy đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, sớm đưa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống gắn với việc phát huy vai trò nêu gương, đi đầu của người đứng đầu các cấp; xây dựng môi trường thuận lợi để đội ngũ CB địa phương, cơ quan, đơn vị mình quản lý chủ động nghiên cứu, phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc để tìm hướng xử lý, giải quyết; tự tin và không ngừng đặt ra các mục tiêu phấn đấu ngày càng cao trong học tập, công tác; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Cán bộ - công chức tại UBND quận 5, TP HCM trong giờ làm việc Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không phải là làm liều, không có tính toán. Do đó, các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của CB phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Chính việc được cơ quan có thẩm quyền thông qua trước khi triển khai đã là lá chắn, là tấm khiên đầu tiên cho ý tưởng đổi mới của CB. Ban Thường vụ Thành ủy luôn sẵn sàng bảo vệ những CB làm việc vì lợi ích chung, vì sự phát triển của thành phố.
Một vấn đề luôn được nhắc đến đó là cơ chế bảo vệ CB. Trong các buổi làm việc với Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy luôn kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cụ thể hóa bằng những văn bản pháp luật để có hành lang pháp lý bảo vệ CB năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Thành phố cũng xin Trung ương thí điểm và thực hiện một số vấn đề trong đó có việc vận dụng Kết luận số 14 trong quá trình xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
* Xin ông nói thêm về chủ trương cũng như cơ chế pháp lý để khuyến khích và bảo vệ CB năng động, sáng tạo vì lợi ích chung?
- Với TP HCM, Kết luận số 14 là điều kiện, cơ hội để TP HCM khơi dậy tinh thần mạnh mẽ, tìm ra những giải pháp mới, cách làm sáng tạo, đột phá để tiếp tục phát triển đi lên.
Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Đề án "Vận dụng, triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ CB năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ CB dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ" phù hợp thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của CB-CC-VC và khuyến khích, bảo vệ CB năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Cần xác định rõ là mọi sự đổi mới, sáng tạo phải dựa trên cơ sở thực tế khoa học, phải trong khuôn khổ pháp lý; không ai có thể đứng trên pháp luật; lợi dụng danh nghĩa sáng tạo, đổi mới để đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hơn lúc nào hết, CB-CC đang rất mong chờ một nghị quyết, một nghị định của Chính phủ cụ thể hóa Kết luận số 14 để làm cơ sở cho CB-CC yên tâm cống hiến, mạnh dạn đề xuất đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực thi công vụ vì sự phát triển chung của thành phố.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-5