Chiều 22-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) đã nêu 4 vấn đề quan trọng.
ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, đoàn Bắc Kạn. Ảnh: Phạm Thắng
Thứ nhất là về thông tin của công dân được thu thập, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại điều 10 dự thảo luật, ĐB Thuỷ cho biết dự thảo luật có khoản quy định "ngoài những thông tin nêu trên thì còn thu thập, tích hợp những thông tin khác của công dân" mà được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, quy định này cần cân nhắc kỹ.
Theo ĐB Thuỷ, dự thảo quy định "những thông tin khác của công dân" thì chưa rõ những thông tin này là thông tin gì. ĐB Thuỷ bày tỏ băn khoăn việc có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định cụ thể "những thông tin khác của công dân" ngay trong luật mà không nên thể hiện như trong dự thảo hiện nay.
Vấn đề thứ hai ĐB Thuỷ bày tỏ quan tâm đến các chủ thể được khai thác thông tin được quy định tại điều 11 dự thảo luật, theo đó các chủ thể được khai thác thông tin gồm các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. Theo ĐB, các thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, ví dụ số điện thoại của công dân nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền cho công dân. ĐB Thuỷ khẳng định mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên mục đích và phạm vi khai thác là khác nhau.
"Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ quy định các chủ thể khai thác thông tin mà lại không quy định phạm vi khai thác thông tin, dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định. Các thông tin liên quan trực tiếp đến cá nhân công dân và cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Tôi đề nghị quá trình chỉnh lý phải rà soát, quy định cụ thể ngay trong luật phạm vi khai thác của các chủ thể khai thác thông tin bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của chủ thể" - nữ ĐB đoàn Bắc Kạn nêu.
Vấn đề thứ ba mà ĐB Thuỷ đề cập là các thông tin trên thẻ căn cước công dân, trong dự thảo luật đã điều chỉnh một số thông tin trên thẻ căn cước, trong đó bỏ mục quê hương, quê quán. Nữ ĐB cho rằng việc điều chỉnh là phù hợp nhưng đề nghị nghiên cứu thêm việc bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước, mục quê quán cũng là một cách để nhận diện lai lịch của công dân. ĐB Thuỷ đề xuất không nên bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước.
Vấn đề thứ tư ĐB đoàn Bắc Kạn góp ý là về quy định về giá trị của thẻ căn cước tại điều 21 dự thảo luật. Dự thảo quy định thẻ căn cước được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp giữa Việt Nam với quốc tế, với các nước có ký kết điều ước, thỏa thuận sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu. Vấn đề này liên quan đến hướng dẫn của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO), trong hướng dẫn này đã nêu rất rõ những thông tin bắt buộc trong trang dữ liệu hộ chiếu thì có nhiều thông tin, trong đó có thông tin về số hộ chiếu, loại hộ chiếu, mã số và chữ ký chủ hộ chiếu. Dùng cái này thì có giá trị với tất cả các quốc gia và các hãng vận chuyển.
Tuy nhiên, ĐB Thuỷ cho biết trong khi đó điều 16 và 19 của dự thảo luật này thì hoàn toàn không có các thông tin liên quan đến hộ chiếu. Do vậy không thể sử dụng thay thế cho hộ chiếu được. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp nếu trong trường hợp chúng ta muốn sử dụng thẻ căn cước thay hộ chiếu.
Theo ĐB, thật ra trong thời gian qua, chưa có trường hợp hay nước nào quy định, chấp nhận việc dùng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu.