Thông tin mới nhất việc Miếu Đôi thờ vua Quang Trung

Thứ tư, 20 Tháng 9 2023 08:19 (GMT+7)
Việc đặt phù điêu, thờ 2 vua Thái Đức và Quang Trung tại Miếu Đôi không thông qua ban đại diện làng, tổ dân phố và chính quyền địa phương là do chưa có kết luận của cấp có thẩm quyền.
 
Ngày 19-9, UBND TP Huế đã có văn bản trả lời Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế kết quả xác minh việc dựng phù điêu và thờ vua Quang Trung, Thái Đức tại Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh, phường Thủy Vân.
 
Dựng phù điêu khi chưa được đồng ý
Theo đó, Miếu Đôi được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII dưới thời Chúa Nguyễn, tổng diện tích 1.240 m2, trong đó có 2 miếu thờ với diện tích 22,4 m2 và tường rào 3 mặt với tổng chiều dài 46 m, đã xuống cấp.
 
Miếu này do Hội đồng Tộc trưởng làng Dạ Lê Chánh quản lý, thờ cúng. Từ đó đến nay, dân làng vẫn duy trì hương khói vào tháng 7 hằng năm, nhân dịp thu tế Làng Dạ Lê thường được vọng về đình làng để làm lễ cúng nhưng không biết vị nào được thờ ở miếu này.
 
Thông tin mới nhất việc Miếu Đôi thờ vua Quang Trung - Ảnh 1.
Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh
 
Ngày 5-11-2022, Hội đồng Tộc trưởng làng Dạ Lê Chánh đã viết thư đề nghị Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế (do ông Nguyễn Đắc Xuân làm chủ tịch) tìm hiểu, nghiên cứu về Miếu Đôi thờ ai. Ngày 24-6-2023, hội tổ chức tọa đàm và cho rằng Miếu Đôi là nơi thờ hai vò "hoa cái - xương sọ" anh em Nguyễn Nhạc (tức vua Thái Đức) và Quang Trung (Nguyễn Huệ). Ý kiến phản biện của các nhà nghiên cứu tại buổi tọa đàm thì cho rằng cần phải thận trọng và tiếp tục nghiên cứu để có đủ chứng cứ xác định rõ ràng.
 
Vào đầu tháng 8-2023, Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế đã vận động và đặt phù điêu 2 vị vua Thái Đức, Quang Trung tại Miếu Đôi. Bức phù điêu bằng đá cao 1,2 m, rộng 1,5m, sâu 0,2m, được đặt trên bệ đá cao 0,9 m, rộng 1,6 m, sâu 0,7 m; đồng thời làm lễ an vị. Toàn bộ kinh phí do hội này đảm trách. 
 
Sau đó, ban quản lý tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố và trưởng làng chưa đồng tình với việc Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế tự ý dựng phù điêu mà không thông qua ban đại diện làng, tổ dân phố và chính quyền, do chưa có kết luận của cấp có thẩm quyền liên quan việc Miếu Đôi thờ ai.
 
Thông tin mới nhất việc Miếu Đôi thờ vua Quang Trung - Ảnh 2.
Miếu Đôi
 
Ngày 7-9, UBND phường Thủy Vân đã mời đại điện Hội đồng Tộc trưởng làng Dạ Lê Chánh, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố cùng một số cán bộ, công chức liên quan làm việc và đã thống nhất quan điểm.
 
Các bên đề nghị UBND phường không đồng ý tổ chức hoạt động thờ cúng liên quan hoàng đế Quang Trung; chỉ cúng lễ theo truyền thống và yêu cầu di chuyển phù điêu tạc 2 vị Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc ra khỏi khuôn viên Miếu Đôi; dừng các hoạt động liên quan vua Quang Trung tại Miếu Đôi cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.
 
Báo cáo của UBND TP Huế cũng cho biết thời gian tới, phường Thủy Vân sẽ mời các tổ chức, cá nhân liên quan làm việc và yêu cầu dời phù điêu ra địa điểm khác cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng. Đồng thời, đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tổ chức tọa đàm để đánh giá cụ thể lịch sử và có kết luận về Miếu Đôi ở làng Dạ Lê Chánh.
 
Căn cứ nào khẳng định thờ vua Quang Trung?
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Xuân cho biết có 3 căn cứ để Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế kết luận Miếu Đôi là nơi chôn 2 vò "hoa cái - xương sọ" vua Thái Đức, Quang Trung và thờ những vị này.
 
Thứ nhất, dựa vào chuyện "Ba ông Vò" trong cuốn "Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung" do PGS-TS Đỗ Bang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) biên soạn, Sở Văn hóa – Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản năm 1988. Chuyện này ghi lại lời các bô lão ở làng Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) kể rằng các quan chức cuối triều Nguyễn đã đưa "hoa cái – xương sọ" vua Quang Trung và Thái Đức về chôn ở Miếu Đôi.
 
Thông tin mới nhất việc Miếu Đôi thờ vua Quang Trung - Ảnh 3.
Bài vị thờ Quang Trung vừa mới đặt.
 
Thứ hai, dựa theo lời kể của một người cao tuổi ở Dạ Lê Chánh, cho biết ông cố nội của người này là cụ Nguyễn Đắc Đạo - Phó Vệ úy đời vua Hàm Nghi - ngày thất thủ kinh đô không được đi theo vua nên "vắt quần lên cổ" mà chạy về quê. Cụ đã chứng kiến những tù nhân chôn các vò xương sọ ở gần Miếu Đôi ở ngoài ruộng cạnh làng.
 
Thông tin mới nhất việc Miếu Đôi thờ vua Quang Trung - Ảnh 4.
Chuyện về "Ba ông Vò" trong "Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung" do PGS-TS Đỗ Bang biên soạn.
 
Thứ ba, dựa vào thông tin từ việc khảo sát ngôi miếu. Miếu Đôi khá khang trang, gồm 1 miếu lớn, 1 miếu nhỏ là biểu tượng thờ hai anh em. Miếu thờ ai tuyệt đối bí mật thì hẳn là bậc vua chúa chứ không phải người thường. 
 
"Dựa trên nghiên cứu của ông Đỗ Bang mà ở đây chỉ có Miếu Đôi tại Dã Lê Chánh và căn cứ vào tài liệu của con cháu cụ Nguyễn Đắc Đạo, hội đồng ý với dân làng là thờ vua Thái Đức và Quang Trung" – ông Nguyễn Đắc Xuân giải thích.
 
Trả lời câu hỏi việc kết luận Miếu Đôi thờ 2 vua Tây Sơn liệu có vội vàng không, vì chưa tiến hành khảo cổ tìm luận chứng khoa học, ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: "Làng hỏi thì hội bỏ công ra khảo sát, nghiên cứu để trả lời. Tất cả lý luận tôi đưa ra để ủng hộ làng. Khảo cổ là việc của nhà nước để công nhận Miếu Đôi là di tích hay không. Tôi chỉ lấy chuyện chôn gần Miếu Đôi của ông Đỗ Bang nhưng ông này không biết cụ thể chỗ nào, không gặp được con cháu cụ Nguyễn Đắc Đạo để nghe kể lại".
 
Tác giả "Ba ông Vò" nói gì?
 
PGS-TS Đỗ Bang cho biết ông phát hiện việc nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sử dụng tư liệu "Ba ông Vò" khi trả lời trên một tờ báo. Khi đó, ông mới biết sự việc là không đúng cả phần dẫn nên phải lên tiếng nhằm "bảo vệ cái đúng", để sự việc dừng lại trước khi có những "đổ vỡ" tiếp theo.
 
Theo ông Đỗ Bang, chuyện về "Ba ông Vò" được đưa ra sau nhiều lần ông khảo cứu công phu cũng như đối chiếu với gia phả, xác minh qua tọa đàm. Tuy nhiên, từ năm 1988 đến nay, ông vẫn cho đó chỉ là một giả thuyết bởi không có khảo cổ, cứ liệu khoa học nên không tiếp tục nghiên cứu.
 
"Nếu như không có thám sát khảo cổ học tìm kiếm 2 hộp sọ và tiến hành nhân học để xác minh độ tuổi, giới tính và nguồn tư liệu thành văn khác bổ sung thì cho đến nay cũng chỉ dừng lại là một giả thuyết. Một miếu thờ thần hoàng từ thế kỷ XVII mà trở thành chỗ thờ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là không được. Họ sai cả phương pháp nghiên cứu lẫn phương pháp bảo tồn" - PGS-TS Đỗ Bang nhận xét.
 
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội