Hình ảnh đau nhói bên “ma trận” tận diệt chim trời: “Không thể chấp nhận được!”.

Thứ sáu, 13 Tháng 10 2023 07:08 (GMT+7)
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định không thể chấp nhận được các hành vi tận diệt chim trời và sẽ kiểm tra đột xuất, quy trách nhiệm nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng này.
 
Chiều 12-10, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết vừa ký công văn gửi các cơ quan, sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, TP về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư.
 
Hình ảnh đau nhói bên ma trận tận diệt chim trời: Không thể chấp nhận được! - Ảnh 1.
Cả đàn cò sà xuống "ma trận" bẫy bắt trên đồng ruộng Hải Lăng và dính bẫy
 
Liên quan đến phản ánh của Báo Người Lao Động về "ma trận" tận diệt chim trời trên đồng ruộng huyện Hải Lăng, ông Hà Sỹ Đồng khẳng định đây là hành vi không thể chấp nhận được. Theo ông, đồng ruộng phải thẳng cánh cò bay, đó là nét đẹp làng quê.
 
"Qua phản ánh của Báo Người Lao Động, tôi đã trực tiếp ký văn bản chỉ đạo ngay các địa phương tăng cường bảo tồn bảo vệ đa dạng sinh học cũng như các loài chim hoang dã, di cư. Bây giờ người dân áp dụng các biện pháp bẫy bắt chim trời như vậy là không thể chấp nhận được. Đừng đổ lỗi cho "truyền thống", "công ăn, việc làm" gì hết, ai cũng có công ăn, việc làm chứ không phải làm cái nghề như vậy" - ông Hà Sỹ Đồng nhìn nhận.
 
Hình ảnh đau nhói bên ma trận tận diệt chim trời: Không thể chấp nhận được! - Ảnh 2.
Một chú cò trắng bị các thanh tre bôi keo siêu dính dính chặt, không vùng vẫy được
 
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và đặc biệt chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra, đẩy đuổi, xử lý các hành vi đe dọa đến chim hoang dã, di cư.
 
"Sau khi có văn bản chỉ đạo này, UBND tỉnh sẽ giao cho ngành chức năng đi kiểm tra đột xuất. Nếu địa phương nào để xảy ra "ma trận" giăng bẫy, tận diệt động vật hoang dã, trong đó có các loài chim trời thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm theo quy định" - ông Đồng khẳng định.
 
Trước đó, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt trên tuyến đường tránh lũ ĐT-582B thuộc huyện Hải Lăng và ghi nhận tại vùng đồng ruộng ngập nước 2 bên đường dày đặc "ma trận" bẫy bắt chim trời. 
 
Chứng kiến cảnh chim trời mắc bẫy, kêu cứu trong vô vọng trên đồng ruộng Hải Lăng, chúng tôi không khỏi xót xa và chợt nghĩ các chỉ đạo về bảo vệ chim trời chẳng lẽ chỉ nằm trên... giấy.
 
Liên ngành vào cuộc
Để thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và Công văn số 8393/BTNMT-BTĐD ngày 2-10-2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương các cấp yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư, trái pháp luật;
 
Không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.
 
Các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, kiểm lâm, hải quan, quản lý thị trường tăng cường công tác phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư.
Xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư đúng quy định hiện hành...
 
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội