Miền Trung mưa to đến 700 mm, Thủ tướng chỉ đạo khẩn cấp

Thứ bảy, 14 Tháng 10 2023 06:09 (GMT+7)
Các tỉnh khu vực miền Trung đang có mưa to, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, có nơi trên 700 mm. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh khẩn cấp ứng phó mưa lũ
 
Đêm qua và sáng sớm nay 13-10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to.
 
Miền Trung mưa to đến 700 mm, Thủ tướng chỉ đạo khẩn cấp  - Ảnh 1.
Dự báo miền Trung mưa to đến rất to, cục bộ có nơi mưa trên 700 mm
 
Dự báo từ sáng ngày 13-10 đến đêm 14-10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, có nơi trên 700 mm; ở khu vực phía Nam Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
 
Ngoài ra, ở khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận; Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
 
Cảnh báo giai đoạn từ 15 đến 16-10 khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 150-300 mm, có nơi trên 500 mm. Sau ngày 17-10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và có diễn biến phức tạp.
 
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
 
Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 950/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung.
 
Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
 
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.
 
Chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.
 
Các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; đồng thời hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.
 
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội