Chiều 14-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền. Dự án này thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nối liền hai tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long; kết nối giữa 2 tuyến cao tốc TP HCM - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Bộ Giao thông Vận tải báo cáo với Thủ tướng về quá trình thi công cầu Mỹ Thuận 2
Công trình này khởi công vào ngày 16-3-2020, dự kiến khai thác và đưa vào sử dụng cuối năm 2023, do Ban Quản lý Dự án 7 - Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án triển khai thi công trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 năm 2020 và 2021, tác động cùng với nhiều biến động trên thế giới khiến giá nhiên liệu, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến việc hực hiện công trình.
Mặt khác, những khó khăn khách quan về mặt kỹ thuật trong quá trình thi công các hạng mục phức tạp của cầu chính; điều kiện thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến kỹ thuật thi công hệ dầm và dây văng..., đặt ra nhiều thách thức đối với Ban Quản lý Dự án 7 và đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công.
Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan tham mưu Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Dự án 7, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công, nay cầu Mỹ Thuận 2 đã đủ các điều kiện để hợp long, bảo đảm các thông số hình học của nhịp chính dây văng, bảo đảm yêu cầu chất lượng công trình, an toàn lao động,…
Toàn bộ các gói thầu thiết kế và xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 đều do các nhà thầu Việt Nam thực hiện
Cầu Mỹ Thuận 2 trước ngày hợp long
Sau khi hợp long cầu Mỹ Thuận 2, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý Dự án 7 cùng các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại để thông xe vào cuối năm 2023, bảo đảm chất lượng công trình và phát huy chất lượng hiệu quả đầu tư.
Thực hiện nghi thức hợp long
Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ kết nối thông tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các địa phương ĐBSCL.
Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội trong khu vực.
Theo Ban Quản lý Dự án 7, cầu Mỹ Thuận 2 có điểm đầu tại Km101+126, khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè); điểm cuối tại Km107+740, khớp nối với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (nút giao Quốc lộ 80, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Tổng chiều dài tuyến là 6,61 km. Hướng tuyến từ điểm đầu dự án đi song song Quốc lộ 1 và vượt qua sông Tiền bằng cầu Mỹ Thuận 2 cách 350 m về phía thượng lưu so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 80.
Phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7 km, trong đó phía tỉnh Tiền Giang 4,3 km, phía tỉnh Vĩnh Long 0,4 km. Cấp đường phục vụ ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Giai đoạn trước mắt, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường phía tỉnh Tiền Giang 17 m, lệch phía phải tuyến tương tự dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Phía tỉnh Vĩnh Long, bề rộng nền đường 25 m, đồng bộ với bề rộng mặt cầu. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe, bề rộng nền đường khoảng 32 m.
Phần cầu chính dài 1,9 km, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, có bề rộng mặt cầu phần xe chạy 25 m; nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, bề rộng mặt cầu 28 m (gồm 6 làn xe).
Công trình này lần đầu tiên do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.