Đại biểu QH: “U70 mà đi gác đêm, điều tiết giao thông thì sao làm được, rất phản cảm”

Thứ bảy, 28 Tháng 10 2023 10:09 (GMT+7)
Hàng loạt vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
 
Sáng 27-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
 
ĐBQH: “U70 mà đi gác đêm, điều tiết giao thông thì sao làm được, rất phản cảm” - Ảnh 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.
 
Về kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết  nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cho rằng không chỉ dừng lại ở số lượng khoảng 300.000 người như Tờ trình dự án Luật do Chính phủ trình và sẽ tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm; đề nghị có số liệu cụ thể chứng minh "không làm tăng biên chế", "không làm tăng ngân sách" so với thực tiễn hiện nay.
 
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tính đến tháng 12-2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự thì với 84.721 Tổ bảo vệ an ninh trật tự thì cần có ít nhất là 254.163 người tham gia (mỗi tổ cần ít nhất 3 người) và dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỉ đồng/năm.
 
Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số Tổ bảo vệ an ninh trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống. Như vậy, với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.
 
Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách trung ương hỗ trợ bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Phát biểu góp ý về dự thảo luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng dự thảo luật cần nghiên cứu quy định về tuổi đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bởi hiện trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chỉ đề cập đến việc đảm bảo sức khỏe.
 
ĐBQH: “U70 mà đi gác đêm, điều tiết giao thông thì sao làm được, rất phản cảm” - Ảnh 3.
ĐBQH Phạm Văn Hoà.
 
ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng xem như cánh tay nối dài, hỗ trợ cho lực lượng công an xã, công an phường (như đi tuần tra, canh gác ban đêm…). Vị ĐBQH lấy ví dụ "một người U70 (70 tuổi) mà đi tuần tra, canh gác ban đêm, ban hôm thì sao mà làm được" hay "U70 tuổi mà đứng phân luồng giao thông là rất phản cảm"…
 
"Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý" - ĐB Phạm Văn Hoà khẳng định.
 
ĐB Phạm Văn Hoà cũng bày tỏ băn khoăn về số kinh phí hoạt động của lực lượng này, bởi theo vị ĐB tính, nếu theo mức lương cơ bản thì con số kinh phí lớn hơn nhiều so với 3.505 tỉ đồng/năm như dự thảo luật nêu.
 
Phát biểu thảo luận, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho biết khoản 2, Điều 2 dự thảo Luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
 
Tuy nhiên, trong dự thảo luật không nêu rõ lực lượng này có phải được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó, đội dân phòng như trong báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...
 
Như vậy, lực lượng này không phải là lực lượng mới được thành lập mà được kiện toàn từ 3 tổ chức nêu trên. Vì vậy, ĐB đề nghị cần bổ sung nội dung này trong khoản 2, Điều 2 dự thảo Luật như sau "Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở hợp nhất tổ chức của lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó, đội dân phòng để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". 
 
Bên cạnh đó, chương II dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tư ở cơ sở, trong đó có 6 nhiệm vụ được quy định từ Điều 7 đến Điều 12 là những việc làm cần thiết, cụ thể hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng phải có chức năng riêng mà chức năng này nên được quy định rõ hơn trong dự thảo luật.
 
Vị ĐBQH đề nghị sửa đổi Điều 3 về vị trí, chức năng của của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như sau "Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước về an ninh, trật tự tại cơ sở và hỗ trợ công an xã thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội".
 
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội