Chiều 6-11, Quốc hội (QH) tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, QH tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề kinh tế ngành thuộc các lĩnh vực: Công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT); giao thông vận tải (GTVT); xây dựng; tài nguyên và môi trường (TN-MT).
Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Phạm Thắng
Có 88 đại biểu đăng ký chất vấn. Do số lượng đăng ký lớn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu chất vấn một vấn đề tâm đắc nhất và chỉ tranh luận những nội dung thật sự cần thiết.
Đại biểu (ĐB) Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho biết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp nhiều năm qua và đã có nhiều vụ án được phanh phui, điều tra. ĐB đề nghị Bộ trưởng TN-MT cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trong thời gian vừa qua, giải pháp khắc phục trong thời gian tới?.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành, địa phương đẩy mạnh việc cấp phép, kiểm tra, giám sát việc khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng. "Địa phương có vai trò rất lớn vì đây là vấn đề trên địa bàn. Sau khi các vụ án xảy ra mới phát hiện việc cán bộ địa phương có hệ thống bảo vệ việc này"- ông nói. Bộ trưởng cho biết Bộ TN-MT sẽ phối hợp với các địa phương, các bộ ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT về những giải pháp căn cơ để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết vừa qua, Bộ TN-MT đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải và thấy rằng để xử lý được cần có thời gian và nguồn lực.
Từ hệ thống thủy nông, giờ hệ thống này gánh thêm nhiệm vụ là xả thải cho nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, và một phần của Hà Nội, mỗi ngày tiếp nhận 450-500 ngàn m3 nước thải. Riêng từ khu vực cống Xuân Thụy thuộc quận Long Biên và huyện Gia Lâm xả thải vào đây 260.000 m3.
Nguồn xả thải từ cụm công nghiệp làng nghề, từ các khu đô thị và khu dân cư, trong đó nguồn thải từ khu đô thị và khu dân cư đều chưa qua xử lý chất thải, xả thẳng ra hệ thống thủy nông này.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Hà Nội đang cố gắng xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa xong.
Bộ TN-MT và Bộ Công an đã kiểm tra, điều tra, xử phạt nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định.
"Để xử lý nước thải cần rất nhiều nguồn lực. Chúng tôi sẽ có giải pháp cho hệ thống Bắc Hưng Hải"- Bộ trưởng nói và đề nghị cần có chương trình mục tiêu quốc gia xử lý "dòng sông chết". Điều này cần nhiều nguồn lực, trong đó có xã hội hóa và các đơn vị xả thải phải tham gia xử lý.
Trả lời chất vấn của ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) về ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Cầu, Bộ trưởng TN-MT cho biết với làng nghề truyền thống, các tỉnh phải có quy hoạch để di chuyển, phải có khu để xử lý rác thải làng nghề thì mới dứt điểm. Cũng cần có ngân sách trung ương, địa phương mới thực hiện được. Các địa phương phải phối hợp với nhau. Trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã có nội dung quản lý lưu vực sông.