Cần công khai, phê bình Chủ tịch tỉnh khi “mời nhưng không đến” để giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ năm, 26 Tháng 9 2024 17:54 (GMT+7)
Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương để nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
 
Ngày 26-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
 
Cần công khai, phê bình Chủ tịch tỉnh khi "mời nhưng không đến" để giải quyết khiếu nại, tố cáo- Ảnh 1.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 37
 
Theo báo cáo của Chính phủ (số liệu từ ngày 1-10-2023 đến ngày 31-7-2024), các cơ quan hành chính đã tiếp 255.988 lượt người về 206.382 vụ việc, có 2.024 đoàn đông người.
 
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, báo cáo nêu rõ các cơ quan hành chính đã xử lý 327.677/334.878 đơn tiếp nhận; Tòa án nhân dân các cấp xử lý 159/159 đơn; Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã xử lý 86/107 đơn; Kiểm toán nhà nước đã xử lý 67/67 đơn.
 
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khá toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
 
Tuy nhiên, báo cáo gửi chậm so với quy định, mới phản ánh được kết quả thực hiện của 45/63 địa phương dẫn đến khó đánh giá sát được tình hình của công tác này năm 2024. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo, chấn chỉnh không để lặp lại tình trạng này trong năm sau.
 
Số liệu trong báo cáo cho thấy tình trạng Thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại Bộ ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Đồng thời, do còn thiếu số liệu của nhiều địa phương nên chưa có đầy đủ cơ sở so sánh với năm 2023 để chứng minh thuyết phục, đầy đủ cho nhận định, đánh giá nêu trên.
 
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh việc đến nay có 45/63 địa phương gửi báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ (TTCP) công khai các địa phương chưa gửi báo cáo.
 
"Báo cáo không gửi đúng thời gian thì rất khó để đánh giá toàn diện. Đề nghị TTCP công khai, tại sao lại có địa phương không gửi báo cáo. Việc giám sát là phải công khai, minh bạch"- Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
 
Giải trình nội dung này, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết đây là năm đầu tiên thực hiện yêu cầu mới về thời gian lấy, tổng hợp số liệu cũng như tích hợp kết quả của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước nên số liệu chung chưa được "tròn trĩnh" và đầy đủ.
 
Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong mong UBTVQH chia sẻ và cho biết theo quy định pháp lý, thì năm 2025 mới là năm chính thức xây dựng báo cáo này, năm 2024 này đang thực hiện để rút kinh nghiệm và hoàn thiện. "Thời gian tới TTCP sẽ cập nhật đầy đủ báo cáo của các địa phương để xây dựng báo cáo hoàn thiện"- ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
 
Đối với việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng có tình trạng Ban Tiếp công dân Trung ương mời trực tiếp lãnh đạo tỉnh đến để phối hợp giải quyết nhưng lại cử cán bộ "không đủ thẩm quyền" đến, nên rất khó để làm dứt điểm.
 
"Chỗ này chúng ta cần làm nghiêm túc. Nếu Ban Tiếp công dân Trung ương mời trực tiếp lãnh đạo tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhưng không đến, thì đề nghị công khai trên báo chí. Hoặc đề nghị Chính phủ phê bình các trường hợp này, cấp ủy chính quyền cần có hình thức xử lý"- ông Trần Quang Phương nhấn mạnh.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện nghiêm túc, rõ ràng việc này, tránh tình trạng "sợ va chạm chỗ này chỗ khác" như thời gian vừa qua.
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh đến việc Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tiếp công dân chưa đảm bảo số ngày theo quy định. "Kiểm tra ở các địa phương cho thấy nếu Chủ tịch UBND các cấp dành thời gian tiếp công dân đúng quy định thì số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo sẽ giảm"- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
 
Nhấn mạnh đến yêu cầu cần giải quyết tận gốc các vụ việc khiếu nại, tố cáo ở cấp xã, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu cấp xã làm không tốt, thì người dân sẽ gửi đơn lên huyện, huyện làm không tốt thì sẽ lên tỉnh, tỉnh giải quyết chưa thấu đáo thì sẽ lên Trung ương. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định rõ ràng trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp cơ sở.
 
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội