Toàn cảnh biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ” ven sông Đồng Nai

Thứ hai, 30 Tháng 9 2024 10:35 (GMT+7)
Lắng nghe ý kiến người dân, chuyên gia, nhà khoa học, tỉnh Đồng Nai quyết định bảo tồn biệt thự cổ ven sông Đồng Nai "Nhà lầu ông Phủ".
 
Biệt thự cổ Võ Hà Thanh tròn 100 năm tuổi mang kiến trúc kiểu Pháp, được xây dựng bằng nguồn vật liệu vận chuyển từ Pháp sang. Đây là biệt thự cổ của tư nhân còn lại duy nhất tại TP Biên Hòa và là một trong số ít ỏi biệt thự cổ kiểu Pháp còn tồn tại ở Đồng Nai (bên cạnh biệt thự cổ Suối Tre) với kết cấu nhà còn khá tốt.
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "Nhà lầu ông Phủ"
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 1.
Biệt thự cổ "Nhà lầu ông Phủ" tròn 100 năm tuổi
 
Từ định giá bồi thường 5,4 tỉ đồng để phá dỡ
Để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai, cơ quan chức năng TP Biên Hòa định giá bồi thường ngôi biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" số tiền 5,4 tỉ đồng
 
Dự án đường ven sông Đồng Nai có chiều dài hơn 5km, kéo dài từ cầu Hoá An (TP Biên Hòa) đến xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), rộng 34m. Tổng mức đầu tư gần 2000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. 
 
Trong số hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời một phần hoặc toàn bộ nhà cửa, có biệt thự 100 năm tuổi của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh.
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 2.
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 3.
Biệt phủ cổ nằm ven sông Đồng Nai
 
Ông Võ Hà Thanh (SN 1876, quê Quảng Ngãi) theo cha vào Biên Hòa từ nhỏ. Ban đầu, từ người làm thuê, ông đã làm chủ đồn điền cao su, hầm khai thác đá lớn của Biên Hòa, thành đốc phủ sứ. Biệt thự "nhà lầu ông Phủ" được xây năm 1922, hoàn thành 1924.
 
Hiện tại, các cháu chắt của ông Võ Hà Thanh đang sinh sống trong ngôi biệt thự trên. Khi nghe thông tin giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường ven sông, cháu chắt của ông Võ Hà Thanh có nguyện vọng được giữ lại ngôi nhà.
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 4.
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 5.
Ngôi biệt thự cổ nằm ven sông Đồng Nai, với kiến trúc kiểu Phương Tây, có giá trị lịch sử, kiến trúc. Để xây dựng ngôi biệt thự này, 100% nguyên vật liệu được nhập từ Pháp vào đầu thế kỷ 20.
 
Trước nguy cơ biệt thự cổ bị phá dỡ, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại cho rằng, trong quy hoạch phát triển việc nắn lại tuyến đường hoàn toàn trong khả năng của cơ quan chức năng, không nhất thiết mọi con đường đều phải thẳng. Nếu giữ được ngôi biệt thự cổ này, chúng ta sẽ tạo ra được sự kết nối về văn hóa, lịch sử, du lịch sông Đồng Nai với trên bờ và giữa ngôi biệt thự này với các công trình cổ khác một cách bền chặt hơn.
 
Theo Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, có nhiều cách để giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Thứ nhất, có thể nhờ thần đèn di dời vào bên trong và dành quỹ đất biến thành điểm đến về văn hóa, du lịch. Thứ hai, nắn lại tuyến đường lấn ra sông Đồng Nai một chút xíu để giữ lại ngôi biệt thự cổ. 
 
Theo ông Trần Đăng Ninh, muốn làm điều này thuận lợi, trước hết biệt thự phải thuộc quyền quản lý của nhà nước. Bởi lẽ, hiện nay tài sản của tư nhân, nếu chủ nhà không đồng ý thì chúng ta không thể bắt họ làm theo ý của mình. 
 
Ông Ninh còn đặt ra vấn đề xa hơn, nếu giữ lại ngôi biệt thự thì ai đứng ra cam đoan ngôi nhà trên sẽ được bảo tồn mãi mãi vì đây chưa phải là di tích. Chủ nhà có thể sau này đổi ý, không muốn giữ lại mà đập bỏ đi thì sao? Vì vậy, ông Ninh đề nghị nếu đã có quyết định bảo tồn thì nên làm tới nơi tới chốn. Một phương án khả dĩ là chính quyền mua lại toàn bộ khu đất, giữ lại biệt thự, rồi sau đó cải tạo thành một địa điểm công cộng cho người dân sử dụng.
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 7.
Ngôi biệt thự này từng được thuê làm phim trường để quay những bộ phim liên quan đến thời kỳ phong kiến, trong đó có phim Người đẹp Tây Đô được nhiều người biết đến.
 
Đến bảo tồn, đề xuất nắn tuyến đường ven sông
Trước sự lên tiếng của dư luận, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực tế ngôi biệt thự. Sau khi lấy ý kiến sở ngành, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định.
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 8.
 
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 9.
Bên trong biệt thự
 
Sau đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo ký công văn gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Thành ủy Biên Hòa nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị công trình "nhà lầu ông Phủ". 
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của ngôi biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ". Đồng thời, có giải pháp triển khai tuyến đường ven sông Đồng Nai theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm các quy định của pháp luật.
 
Liên quan biệt thự cổ Võ Hà Thanh, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã đề xuất 4 phương án để giữ lại biệt thự cổ ven sông Đồng Nai.
 
Trong 4 phương án, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh lựa chọn phương án 2 là nắn tuyến đường ven sông. Lý do, có thể giữ lại ngôi biệt thự cổ và không ảnh hưởng nhiều tiến độ dự án đường ven sông Đồng Nai; đồng thời, đây là phương án có thời gian hoàn thành sớm nhất, kinh phí phát sinh thấp nhất, không thu hồi thêm đất.
 
Cụ thể, phương án 2 là nắn tuyến đường ven sông. Theo Sở Xây dựng phạm vi đường ven sông lấn vào biệt thự cổ 12,7m; phạm vi từ kè sông đến vỉa hè tuyến đường là 14,7m. Như vậy, phạm vi còn lại từ mép kè đến mép hiên biệt thự cổ vẫn có đủ khoảng cách để nắn lại hướng tuyến, tránh được biệt thự cổ, nguyên tắc vẫn giữ lòng đường rộng 24m trên toàn tuyến...
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 10.
 
Toàn cảnh biệt thự cổ "nhà lầu ông Phủ" ven sông Đồng Nai- Ảnh 11.
Di ảnh ông Võ Hà Thanh - Chủ nhân ngôi biệt thự cổ
 
Ngoài phương án trên, Sở Xây dựng đề xuất di dời biệt thự cổ (phương án 1); phương án 3, tạo vòng xuyến quảng trường bao quanh biệt thự cổ và phương án 4, giao thông khác cote, kết hợp đảo hoa viên bao quanh biệt thự cổ.
 
 

Bài viết mới nhất của Xã Hội