Chiều 4-10, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, các loại xe môtô có thể qua khu vực cầu Phong Châu (bắc qua sông Thao, nhánh chính của sông Hồng, nối giữa 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bằng phà quân đội từ 14 giờ chiều cùng ngày.
Lực lượng Công binh lắp cầu phao trước đó. Ảnh: T.L.
Ông Nguyễn Văn Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ), cho biết trước đó, Lữ đoàn 249 - Binh chủng Công binh quyết định tạm thời "cắt" cầu phao Phong Châu từ tối ngày 1-10 do nước lũ ở thượng nguồn đang đổ về khiến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy lớn. Trước tình hình nêu trên, lực lượng quân đội đã tổ chức phà thay thế khi cầu phao chưa thể lắp đặt trở lại do nước sông Hồng vẫn chảy xiết.
Tại hội nghị giao ban Bộ Quốc phòng ngày 3-10, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo Binh chủng Công binh nghiên cứu phương án sử dụng phà quân sự để phục vụ vận chuyển người dân.
Bộ trưởng Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Binh chủng Công binh nghiên cứu sử dụng 2 phà chuyên dụng quân sự, gia cố thành phà dân sự để có thể chở được người đi bộ và các phương tiện như xe máy, xe đạp cùng hàng hóa trong phạm vi cho phép.
Binh chủng Công binh phối hợp cùng Quân khu 2 và các ngành chức năng như quân sự, công an, giao thông vận tải của tỉnh Phú Thọ tổ chức thực hiện phân luồng, hướng tuyến và điều tiết giao thông khi tổ chức thực hiện đưa người dân qua sông bằng phà quân sự.
Trong quá trình thực hiện cần tăng cường các phương tiện thủy như canô, đầu kéo dự phòng hoạt động song hành cùng phà chở khách để sẵn sàng xử lý các tình huống, nhằm đảm bảo mức độ an toàn cao nhất trong suốt quá trình thực hiện.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra vào khoảng 10 giờ ngày 9-9. Thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ôtô tải, 2 xe ôtô đầu kéo, 6 xe môtô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 4 thi thể.