Phóng viên: Xin chúc mừng chính quyền Vị Thủy một năm gặt hái thành công với 16/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều đạt và vượt (12/16). Xin ông chia sẻ một chút về những thành tựu kinh tế khá ấn tượng này?
Ông Nguyễn Công Duy: Với quyết tâm phấn đấu cao nhất, UBND huyện ngay từ đầu năm đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực: Giá trị sản xuất đạt 4.839,048/4.604,816 tỷ đồng, đạt 105,09% kế hoạch (tăng 6,21% so với cùng kỳ). Trong đó, cả 3 khu vực I (phát triển), II (còn khó khăn) và III (đặc biệt khó khăn) đều vượt kế hoạch từ 3 -11%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 2.710/2.460 tỷ đồng, đạt 110,16% kế hoạch (tăng 12,96% so với cùng kỳ).
Ông Nguyễn Công Duy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Đặc biệt, năm nay do kinh tế tăng trưởng nên việc thu ngân sách cũng rất khả quan. Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 695,439 tỷ đồng, đạt 127,24% kế hoạch (tăng 3,54% so với cùng kỳ). Trong đó, thu nội địa đạt 131,064/70,500 tỷ đồng, đạt 185,91% kế hoạch (tăng 45,72% so với cùng kỳ).
Việc phát triển doanh nghiệp mới cũng có đột phá. Dự kiến trong năm sẽ phát triển 13 doanh nghiệp nhưng đến cuối năm con số này gấp hơn 5 lần với 75 doanh nghiệp. Toàn huyện thành lập mới 3 hợp tác xã (Hợp tác xã nghiên cứu - Đào tạo - Tư vấn phát triển nông nghiệp nông thôn; Hợp tác xã Khánh Ngân; Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Rạng Đông), đạt 300% kế hoạch; duy trì các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện cam kết bảo vệ môi trường đạt 100% kế hoạch.
Phóng viên: Vị Thủy là huyện nông nghiệp nhưng từ lâu người nông dân nơi đây luôn tìm tòi sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật mới để nâng cao năng suất. Theo ông ngành nông nghiệp huyện trong năm đã có những đột phá gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Duy: Ngoài các chương trình thường niên như: Mỗi xã một sản phẩm OCOP, xây dựng mã số vùng trồng, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, phát triển kinh tế hợp tác… trong năm 2024, chúng tôi đã thực hiện 9 mô hình đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết các mô hình đều hướng đến lợi ích của người nông dân cũng như nâng cao dần tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần giảm giá thành đầu tư và nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân.
Nông nghiệp là mũi nhọn đột phá trong nền kinh tế của huyện.
Cụ thể, nhân rộng mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; Xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững, giảm phát khí thải và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm; Mô hình ứng dụng thiết bị công nghệ cao trong sản xuất lúa; Mô hình Ứng dụng nấm Beauveria bassiana và nấm Metarhizium anisopliae để quản lý sinh vật gây hại trên cánh đồng sản xuất theo đề án 1 triệu ha.
Mô hình nuôi cá thát lát theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm; Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (sản xuất kết hợp lúa - cá - vịt); Mô hình Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm; Mô hình nuôi lươn trong bể theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm; Mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nấm mối đen, với tổng kinh phí 24,670 tỷ đồng.
Phóng viên: Hết lòng vì công tác an sinh xã hội đã từ lâu trở thành truyền thống tốt đẹp của lãnh đạo địa phương. Năm nay chính quyền huyện đã lo được gì cho người dân, đặc biệt những ngày năm hết Tết đến, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Duy: Ở Vị Thuỷ, tất cả lãnh đạo huyện đều xem công tác an sinh xã hội là nhiệm vụ hàng đầu.
Nếu nói về số liệu thì trong năm 2024, công tác chăm lo cho các đối tượng hưởng chính sách đã chi trợ cấp cho 8.004 lượt người có công với cách mạng, với số tiền 19.262.355.000 đồng. Tiếp nhận và đề nghị về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết 158 hồ sơ. Tổ chức 14 cuộc hội nghị gặp gỡ người có công trên địa bàn huyện với 851 người tham gia, đã ghi nhận 143 ý kiến đến công tác người có công. Tổ chức đưa đón 21 người có công với cách mạng về tỉnh đi tham quan, điều dưỡng tập trung. Vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng mới 01 căn nhà tình nghĩa, số tiền 50.000.000 đồng cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, công tác này đặc biệt sôi động. Năm ngoái, Tết Giáp Thìn năm 2024, chính quyền từ nguồn ngân sách đã cấp quà tết cho 11.006 người, tổng kinh phí 4.870.800.000 đồng. Đó là con số rất ấn tượng, chiếm hơn 10% dân số của huyện. Ngoài ra, huyện còn tổ chức ăn tết với người có công và hộ nghèo với tổng số 300 người, tổng kinh phí 300.000.000 đồng. Đi thăm, mừng thọ các cụ tròn 100 tuổi và 90 tuổi tại gia đình. Đối với 1.721 cụ tròn 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện cùng các ngành chức năng và các xã, thị trấn đã tổ chức chu đáo chúc thọ, mừng thọ cho các cụ.
Một góc đô thị huyện Vị Thủy nhìn từ trên cao.
Ở lĩnh vực bảo trợ xã hội và giảm nghèo, chính quyền cũng trợ cấp thường xuyên cho 54.994 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền là 49 tỉ đồng. Các chính sách dành cho hộ nghèo tiếp tục triển khai thực hiện. Triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Trong năm đã mua 5.029 thẻ BHYT hộ nghèo với số tiền 2,35 tỉ đồng; cấp tiền điện cho 1.009 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, với số tiền 593,3 triệu đồng; vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 12 căn nhà tình thương, tổng trị giá 600 triệu đồng (50 triệu đồng/căn).
Xét cho cùng, khi kinh tế tăng trưởng ổn định, việc chăm lo cho đời sống người dân sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!