Phạm vi bí mật nhà nước còn quá rộng

Thứ năm, 12 Tháng 7 2018 09:02 (GMT+7)
Cần ban hành danh mục bí mật nhà nước kèm theo luật, quy định rõ những vấn đề, thông tin cấm để người dân biết và tránh

Ngày 11-7, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN). Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đã báo cáo một số nội dung về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Trong đó, với danh mục BMNN (điều 10), một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định việc ban hành, số khác đề nghị giao Bộ Công an.

Đại diện ban soạn thảo báo cáo giải trình thêm một số vấn đề. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng nếu ban hành luôn danh mục BMNN thì rất rộng, do đó ban soạn thảo xin phép Ủy ban Thường vụ QH chỉ ban hành phạm vi, lĩnh vực. Sau này, thẩm quyền ban hành danh mục BMNN thuộc về Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Phạm vi bí mật nhà nước còn quá rộng - Ảnh 1.

Ông Võ Trọng Việt báo cáo một số nội dung về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Dự luật quy định 15 lĩnh vực thuộc phạm vi BMNN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi quá rộng và có những điểm chưa phù hợp thực tế. Theo đó, dự thảo quy định lĩnh vực chính trị gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng; công tác dân tộc, tôn giáo; thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước...

Về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị "khoanh" lại bởi trong phạm vi này có những điểm cần giữ bí mật nhưng cũng có những nội dung cần phải tuyên truyền công khai. Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện, cũng cho rằng danh mục BMNN quá rộng và không cụ thể sẽ gây khó khăn trong thực thi. Bà đề nghị cần ban hành danh mục BMNN kèm theo luật, quy định rõ những vấn đề, thông tin cấm để người dân biết và tránh.

Liên quan đến thời hạn bảo vệ BMNN, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, căn cứ xác định thời hạn bảo vệ. Nhấn mạnh về nội dung này, ông Võ Trọng Việt cho biết đã có ý kiến yêu cầu điều chỉnh thời hạn đối với BMNN độ tuyệt mật là 40 năm, tối mật là 30 năm và mật là 20 năm hoặc tương tự là 20 năm, 10 năm và 5 năm, có thể được gia hạn nếu xét thấy cần thiết và gia hạn không quá một lần. Một số ý kiến đề nghị xác định những tài liệu cần quy định bảo vệ vĩnh viễn hoặc quy định thời hạn dài hơn.

Rà kỹ lại thẩm quyền

Kết luận về việc lập, ban hành danh mục BMNN, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho biết so với dự thảo Chính phủ trình, dự thảo mới có nhiều thay đổi cả về quy trình và thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị rà kỹ lại thẩm quyền, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập danh mục BMNN để trình Thủ tướng ban hành, cần đánh giá kỹ việc Thủ tướng ban hành cả danh mục thông tin mật thì có cần thiết, khả thi không.

Nguồn: Minh Chiến - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị