Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra tại TPHCM.
Mục tiêu trở thành nước dẫn đầu
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản phải gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao.
Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến gỗ, ưu tiên các doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu theo hướng đầu tư chiều sâu, chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ rừng tự nhiên sang rừng trồng, phát triển nguyên liệu trong nước, bảo đảm được nhu cầu nguyên liệu có chất lượng cao cho sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu và các sản phẩm sơ chế.
“Từ những yêu cầu trên, đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề để phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu một cách mạnh mẽ hơn, bền vững hơn trong thời gian tới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng nói.
Phải chủ động nguồn cung nguyên liệu trong nước
Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đại biểu cần đánh giá rõ thực trạng của ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu. Trong đó, chỉ rõ những hạn chế, bất cập về công tác quy hoạch, kế hoạch; hạ tầng; đất đai; tín dụng; thuế; công nghệ; thị trường… ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
“Đặc biệt, cần đánh giá cụ thể về tình hình, khả năng cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đề xuất các giải pháp để bảo đảm đủ nguồn cung nguyên liệu, trong đó hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững trong nước, chỉ nhập khẩu những nguyên liệu Việt Nam không thể sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng của ngành, cần đề xuất các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến gỗ, lâm sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; các giải pháp tăng cường liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản; liên kết giữa doanh nghiệp với người dân. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến gỗ - lâm sản.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Hội nghị cần đánh giá một cách toàn diện, khách quan các tác động của hội nhập quốc tế (đặc biệt là tác động của các hiệp định FTA, các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thuế, hải quan, môi trường…) liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ vững các thị trường truyền thống; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện nay lên khoảng 10% vào năm 2025. Năm 2018, đạt tối thiểu 9 tỷ USD; chiếm khoảng 6,7% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới?”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị xác định rõ các giải pháp bảo đảm thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt trong bảo vệ môi trường; thực hiện các chính sách xã hội, đặc biệt là bảo đảm lợi ích của nông dân, người lao động trong doanh nghiệp.
Theo chương trình Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình bày báo cáo tóm tắt về thực trạng và các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Hội nghị sẽ ưu tiên thời gian để các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại diện các địa phương phát biểu ý kiến. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan báo cáo tiếp thu, giải trình bổ sung.
Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.