Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18, khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc cần làm ngay
Kết luận của Bộ Chính trị đã hướng dẫn cụ thể việc triển khai 6 mô hình thí điểm. Thứ nhất, kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền, có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Thứ hai, hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, huyện. Thứ ba, trưởng ban dân vận cấp ủy, đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp tỉnh, huyện. Thứ tư, tổ chức lại Đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh. Thứ năm, hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Thứ sáu, hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), văn phòng HÐND và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung.
Về mô hình thí điểm thứ nhất, Bộ Chính trị giao cho ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, chủ động lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm. Đối với mô hình thí điểm thứ hai, Bộ Chính trị giao ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương chủ động lựa chọn địa bàn cơ quan, xây dựng, phê duyệt và thực hiện mô hình thí điểm. Việc thí điểm hợp nhất theo định hướng cơ bản sau: Cơ quan hợp nhất là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy; đồng thời là cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp; thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Ban Bí thư về cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy và quy định của pháp luật về cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp. Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương, chủ động lựa chọn mô hình hợp nhất, xây dựng, phê duyệt đề án và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thí điểm.
Đối với các mô hình thí điểm nêu trên, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam (Bộ Nội vụ), đánh giá đây là xu thế tất yếu nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. "Nhất thể hóa hay hợp nhất các cơ quan tham mưu, cơ quan chuyên môn có nét tương đồng là việc cần làm ngay" - ông Sơn nhấn mạnh.
Tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả việc nhất thể hóa các chức danh Ảnh: Trọng Đức
Giảm đầu mối, giảm biên chế
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức trung ương, cho rằng việc nhất thể hóa theo các mô hình thí điểm của Bộ Chính trị hoàn toàn phù hợp, bởi những tổ chức, cơ quan trên có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng với nhau. "Khi thực hiện nhất thể hóa sẽ giải quyết được vấn đề cán bộ, mà còn tinh gọn, giảm đầu mối, giảm biên chế. Tuy nhiên, khi 1 người kiêm nhiệm 2 vị trí thì phải lựa chọn được người xứng đáng, am hiểu cả 2 lĩnh vực để hoàn thành tốt công việc" - ông Thưởng nói.
Ông Thưởng thông tin thêm Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả nhất thể hóa 2 chức danh trưởng ban dân vận cấp ủy và chủ tịch MTTQ. Người được nhất thể hóa 2 chức danh này là ông Nguyễn Văn Hưởng. Cụ thể, ông Hưởng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang là Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Địa phương này cũng đã nhất thể hóa trưởng ban dân vận và chủ tịch ủy ban MTTQ tại 14 huyện.
Đáng chú ý là mô hình thí điểm thứ 6 về thí điểm hợp nhất các văn phòng đoàn ĐBQH, HÐND và UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung, chuyên gia Diệp Văn Sơn tin tưởng mô hình này sẽ giảm được đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo ông Sơn, nhiều địa phương có số lượng ĐBQH không nhiều nhưng lại có văn phòng đoàn ĐBQH để giúp việc là không hợp lý, lãng phí, thừa biên chế trong khi khối lượng công việc không có nhiều. "Công việc của văn phòng HĐND cũng khá sát với văn phòng UBND nên việc hợp nhất cần phải được triển khai sớm" - ông Sơn bày tỏ sự ủng hộ.
"Khống chế" số lượng cấp phó sau hợp nhất
Theo hướng dẫn của Bộ Chính trị, khi hợp nhất, số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất không vượt quá tổng số lãnh đạo cấp phó hiện có của các cơ quan thành viên; đồng thời xây dựng lộ trình cơ cấu lại để đến hết năm 2020 có số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất theo quy định. Biên chế của cơ quan hợp nhất do cơ quan có thẩm quyền giao theo quy định, được tính vào biên chế của cơ quan Đảng và không vượt quá số lượng biên chế hiện có của các cơ quan thành viên. Bên cạnh đó, xây dựng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho phù hợp với tình hình thực tế.