Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018 – 2023 tổ chức sáng 25/9.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP/Thu Cúc
Tham dự Đại hội còn có: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Công đoàn đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trọng khẳng định, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân nước ta. Trải qua gần 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Công đoàn luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và Đảng Cộng Sản Việt Nam, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư đánh giá, trong nhiệm kỳ XI vừa qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác Công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Công đoàn đã có những sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên Công đoàn, tổ chức Tết sum vầy cho người lao động, xây dựng các thiết chế Công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa cho người lao động. Công đoàn cũng có nhiều biện pháp kịp thời giải quyết các việc liên quan đến công tác bảo vệ tình hình an ninh trật tự, quyền lợi, đời sống của công nhân lao động. Tổ chức nhiều cuộc đối thoại, xây dựng thỏa ước lao động tập thể, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ. Hoạt động tuyên truyền và giáo dục đã tạo được sự lan tỏa trong hệ thống; phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức, người lao động có chuyển biến tích cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tổ chức Công đoàn ngày càng được củng cố, phát triển, công tác tập hợp công nhân, người lao động đạt được nhiều kết quả. Số lượng đoàn viên tăng nhanh so với các nhiệm kỳ trước. Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn rộng khắp trong các doanh nghiệp, chất lượng đội ngũ Công đoàn được nâng cao... Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương công nhân viên chức lao động đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh, khẳng định vai trò của Tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị…
“Thành tích của Công đoàn và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam là rất to lớn và rất đáng tự hào. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của phong trào công nhân và hoạt động của các cấp Công đoàn trong cả nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: VGP/Thu Cúc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và gợi mở một số vấn đề để đại hội thảo luận, xem xét, giải quyết.
Một là chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, bản lĩnh cho công nhân, viên chức người lao động. Cần thống nhất nhận thức rằng, ngày nay lòng yêu nước, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc của công nhân, lao động chính là không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, không ngừng phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi công nhân, vì doanh nghiệp ổn định và phát triển vì đất nước phồn vinh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Công đoàn cần định hướng giáo dục công nhân, viên chức lao động giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, “tăng sức đề kháng” cho người lao động trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc, của các thế lực thù địch…
Hai là, quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.
Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp Công đoàn xác định đây là điểm then chốt để đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, để đoàn viên và người lao động luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên Công đoàn để cụ thể hóa việc thực hiện lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích chính trị mà tổ chức Công đoàn mang lại cho đoàn viên, lao động, nhất là vấn đề nhà ở, giá điện nước, chăm sóc sức khỏe.
Đặc biệt, Công đoàn cần phát huy vai trò chủ động, phối hợp với các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động công đoàn, kịp thời thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo phương châm: Công đoàn là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động; lấy nhu cầu chính đáng của tập thể công nhân, viên chức, lao động làm cơ sở hoạt động; lấy việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, lao động làm mục tiêu hoạt động, trong đó cần chú trọng công tác đối thoại, thương lượng tập thể và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII, Công đoàn Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đại hội lần này là bầu ra Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá mới.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí đại biểu đại hội hãy sáng suốt lựa chọn những đồng chí tiêu biểu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực công tác tốt, uy tín cao trong công nhân, viên chức, lao động bầu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII để thực hiện tốt Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ mới, đưa phong trào công nhân, viên chức, lao động nước ta tiếp tục phát triển, đạt những thành tích to lớn hơn nữa.
Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân.
Công đoàn đổi mới vì người lao động
Thay mặt Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Khóa XI, ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã điểm lại những thành tựu mà tổ chức công đoàn đã đạt được trong 5 năm vừa qua.
Dấu ấn rõ nét nhất là hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động đã được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, bước đầu tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên công đoàn với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức công đoàn Việt Nam.
Trong đó, điểm nhấn là Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn” lần đầu tiên được tổ chức, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, "Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả, đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Cụ thể, công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua.
Song song đó, công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ.
Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tiến hành các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất. Trong 3 năm liên tiếp từ tháng 5/2016 đến năm 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động.
Một trong những nội dung quan trọng khác là tổ chức công đoàn tích cực phát động các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực thông qua việc cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”.
Qua đó, người lao động đăng ký hoàn thành 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi là 336.777 tỉ đồng; phát huy 1.170.884 sáng kiến với giá trị làm lợi 203.579 tỉ đồng…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Chủ tịch Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nước ta, Công đoàn Việt Nam vừa thực hiện chức năng và hoàn thành sứ mệnh của một đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động theo cơ chế hai bên và ba bên, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Những kết quả toàn diện của hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước trong nhiệm kỳ qua đã có đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam”.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Bùi Văn Cường phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP/Thu Cúc
Xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, mục tiêu tổng quát của tổ chức công đoàn trong nhiệm kỳ tới là nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao.
Mục tiêu lớn được xác định là: tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức công đoàn Việt Nam; xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, tổ chức công đoàn Việt Nam tập trung thực hiện 3 khâu đột phá gồm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh; đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Cùng với đó là 9 nhóm chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ tổng quát và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Trong đó có tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, coi đây là cách bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Tăng cường các hoạt động tham gia hoặc chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội; làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện vấn đề và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật.
Đặc biệt, nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thỏa ước lao động tập thể khung ở cấp Trung ương; thỏa ước lao động tập thể ngành. Đổi mới, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc.
Chiều 25/9, Đại hội sẽ biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; thảo luận về nhân sự tại các đoàn đại biểu; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XII (ngay sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII).