Quy định về trách nhiệm nêu gương vừa được Hội nghị Trung ương 8 ban hành, trong đó có yêu cầu các cán bộ cấp
cao phải chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín. Quy định này được kỳ vọng sẽ dần tạo nên văn hóa từ chức. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho biết thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa việc từ chức bằng những văn bản quy phạm pháp luật.
Có quyền lực, khó từ chức
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết theo quy định về trách nhiệm nêu gương, cán bộ cao cấp phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi; dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. "Trong đó, vấn đề từ chức là rất cần thiết và quan trọng, đây là động thái rất mạnh mẽ" - ông Nhường đánh giá.
Theo ông Nhường, nhiều nước trên thế giới, khi thấy không đủ năng lực lãnh đạo điều hành thì lãnh đạo cấp cao sẵn sàng từ chức. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc này có vẻ "hết sức nặng nề". Trong bối cảnh nhiều người không dễ dàng rời bỏ chức vị, ĐB Nhường kỳ vọng quy định trên sẽ dần tạo nên văn hóa từ chức.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần có Luật Từ chức và luật này buộc người vi phạm phải từ chức Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng đây không phải là lần đầu tiên vấn đề từ chức được nhắc đến, thậm chí có những thời điểm rộ lên nhưng sau đó không còn ai quan tâm. "Chưa thực hiện được vì đặc điểm của người Việt Nam là duy tình hơn duy lý. Khi có quyền lực thì quyền lực rất dễ bị tha hóa. Khi tha hóa sẽ mang lại rất nhiều quyền lợi không chính đáng. Vì thế, khi đã có chức vụ thì không dễ gì mà họ từ chức, không thể nào tự nhiên có được văn hóa từ chức" - ĐB Trí bày tỏ.
ĐB Trí cũng cho rằng từ trước đến nay, người Việt quan niệm rằng có sai sót thì mới phải từ chức. Trong dư luận, xã hội, gia đình, việc từ chức là một dạng của cách chức. Theo ĐB Trí, đó là một quan niệm sai nhưng không dễ gì sửa được. "Trong khi từ chức có rất nhiều lý do như làm sai, năng lực yếu, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu..., điều này là rất lịch sự" - ĐB Trí lý giải.
Đồng tình với quan điểm trên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho biết xét về mặt tâm lý, các cán bộ có chức vụ đều chịu tác động từ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè. Cho nên việc từ chức không phải là điều dễ dàng đối với họ. Đó là chưa kể chức vụ, quyền hạn thường gắn với lợi ích, khó để từ bỏ.
Dẫn chứng để làm rõ hơn về văn hóa từ chức, ĐB Nguyễn Anh Trí nhắc lại năm 1993 tại Nhật Bản có 3 thủ tướng đã từ chức. Trong đó, một số vị thủ tướng nhậm chức trong 3 tháng đã từ chức do không hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông Trí, lãnh đạo đó từ chức nhưng có thể chuyển sang công tác ở vị trí khác, vẫn hoạt động chính trị, nên văn hóa từ chức ở nước bạn là vấn đề nhẹ nhàng, thậm chí được cổ vũ, khích lệ.
Luật hóa để tạo thói quen
Quy định về trách nhiệm nêu gương là chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín đã có nhưng với đặc thù ở nước ta, ĐB Lê Công Nhường cho rằng để khả thi, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cần có biện pháp giám sát đủ mạnh, mà giám sát cao nhất là của nhân dân, thông qua MTTQ, qua phản ánh của cử tri về lối sống, điều hành của lãnh đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết từ chức là vấn đề mới, mang tính tự nguyện nếu người được bổ nhiệm thấy mình không còn đủ sức khỏe, uy tín và có vi phạm. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra Luật Cán bộ, Công chức chỉ mới quy định các hình thức kỷ luật với cán bộ như bãi nhiệm, miễn nhiệm nhưng chưa có quy định nào rõ về việc từ chức.
Trải qua 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Sự đã xin từ chức ở tuổi 56 một cách nhẹ nhàng, được dư luận cả nước hoan nghênh, dành cho nhiều tình cảm trân trọng Ảnh: THỌ XUÂN
Nhấn mạnh từ chức là vấn đề khá rộng cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy định cụ thể. "Trong việc xem xét vấn đề từ chức, ngoài tự nguyện, nếu cán bộ có vi phạm, bỏ phiếu tín nhiệm không đạt thì vẫn bãi nhiệm theo quy định. Trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm nếu có của cán bộ, công chức đó thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay là bị xử lý hành chính, kỷ luật Đảng theo đúng quy định" - Phó Thủ tướng khẳng định.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc đề xuất cần quan niệm việc từ chức là một điều bình thường, cũng như một khâu trong quản lý lãnh đạo các cấp. Ngoài ra, cần tạo "đòn bẩy", động lực để cán bộ mạnh dạn từ chức khi nhận thấy mình không còn đảm đương được trách nhiệm mà tổ chức giao. Như những phân tích ở trên, ông Phúc nhận thấy để từ chức trở thành văn hóa cần phải vượt qua được quan niệm và lợi ích từ "ghế" của mình.
Nêu quan điểm quyết liệt hơn, ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng cần có Luật Từ chức và luật này buộc người vi phạm phải từ chức. "Từ quy định bắt buộc rồi sau thấm dần, lúc đó mới có văn hóa từ chức" - ông Trí nói.
Từ chức là vấn đề đạo đức
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng không nhất thiết phải ban hành thêm quy định nào về từ chức. Theo ông, chỉ cần điều chỉnh, bổ sung quy định trong Luật Cán bộ, Công chức. "Việc phải xây dựng Luật Từ chức, thực ra chỉ là để người ta dễ nói mà thôi. Còn bản chất, để từ chức cần phải có liêm sỉ của con người" - ĐB Nhưỡng bày tỏ.
Để lý giải việc không nhất thiết phải xây dựng Luật Từ chức, ông Nhưỡng dẫn chứng về trường hợp ông Nguyễn Sự xin từ chức Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam), bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai), ông Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) xin thôi nhiệm vụ ĐBQH.
Tiếp tục khẳng định từ chức là một vấn đề đạo đức, ông Nhưỡng nhìn nhận dù không có quy định thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể xét để cho từ chức. Dù vậy, xét dưới góc độ xây dựng văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho người muốn từ chức cảm thấy nhẹ nhàng, đỡ ái ngại cũng hợp lý.
Ngăn chặn "chạy luân chuyển" cán bộ
Để ngăn chặn tiêu cực trong công tác luân chuyển cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết quy định về luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị nêu rõ không điều động về trung ương hoặc về địa phương hoặc sang nơi khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm và không có triển vọng phát triển. Bộ Nội vụ được giao xây dựng cơ chế chính sách cho cán bộ luân chuyển, trong đó có chính sách nhà công vụ nên sắp tới, bộ sẽ rà soát thực hiện đúng đối tượng luân chuyển, luân chuyển không kết hợp đề bạt bổ nhiệm để tránh tình trạng "chạy luân chuyển".