Nhân dịp kỷ niệm 40 năm quân đội tình nguyện Việt Nam giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, Paul Millar - cây bút của Tạp chí Southeast Asia Globe chuyên về Đông Nam Á có trụ sở tại Campuchia - đã gặp gỡ và ghi lại những hồi tưởng của một số nhân chứng Campuchia về sự kiện lịch sử này, bên cạnh lời kể của các cựu chiến binh Việt Nam từng tham gia cuộc chiến.
Paul Millar viết: "Sau khi đập tan chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam - Việt Nam của tập đoàn Pol Pot, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục và xây dựng đất nước. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh được giải phóng".
Sáng 2-5-1983, hàng ngàn người dân thủ đô Phnom Penh tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế về nước Ảnh: TTXVN
Ông Millar đã gặp gỡ cố vấn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Sin Khin, một trong nhiều người Campuchia nhớ rõ sự tàn ác của Khmer Đỏ. Sinh ra ở tỉnh Svay Rieng, gần biên giới Việt Nam, Sin Khin từng phải làm việc khổ sai trong 15 tháng dưới thời chính quyền Khmer Đỏ. Ông kể rằng ban đầu, ông không cảm thấy có nhiều hy vọng về chuyện lật đổ chế độ Khmer Đỏ nhưng khi gặp rất nhiều binh lính trong rừng ở Snuol và người Việt Nam đến để giúp đỡ họ, ông bắt đầu tin vào chiến thắng. "Những người lính quân tình nguyện Việt Nam luôn ở tuyến đầu, hỗ trợ các chiến sĩ Campuchia chiến đấu" - ông Sin Khin nhớ lại.
Còn ông Khieu Kola - gần 60 tuổi, ủy viên Ban Lãnh đạo CLB Nhà báo Campuchia, một người đã từng sống trong chiến tranh và trải qua chế độ diệt chủng khủng khiếp - kể: "Tôi đã thấy tận mắt bộ đội Việt Nam vào làng. Nhìn thấy xe tăng của bộ đội, ai ai cũng mừng". Ông hồi tưởng cảm xúc từ hơn 40 năm trước: "Phum sóc được giải phóng rồi, hoan hô bộ đội Việt Nam. Ai cũng hoan hỷ reo lên, mừng quá, mừng đến chảy nước mắt. Tôi coi đây là niềm vui vô hạn trong đời mình. Ôi vui biết bao vì được sống lại".
Ông Khieu Kola kể rằng sau ngày Battambang được giải phóng, dân làng ai ai cũng yêu thương bộ đội Việt Nam vì thấy tận mắt họ đã hy sinh xương máu để giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, chăm sóc người dân, phân phối lương thực, thuốc men. Ông xác nhận: "Tuyệt đối không có hành động nào làm mất lòng dân như lời xuyên tạc của Khmer Đỏ".
Ngoài ra, giáo sư Go Ito, chuyên ngành quan hệ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và an ninh quốc tế thuộc Khoa Khoa học chính trị và Kinh tế ĐH Meiji - Nhật Bản, đã trả lời phỏng vấn TTXVN về đóng góp của quân đội tình nguyện Việt Nam vào hòa bình cho nhân dân Campuchia. Đánh giá về việc Quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia, giáo sư Ito cho rằng Quân đội Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Campuchia.
Theo ông, vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, cộng đồng quốc tế hầu như không biết hành động diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ. Trong khi đó, trên thực tế, cùng với nạn diệt chủng là những hành động vi phạm nhân quyền một cách man rợ xảy ra tại Campuchia.
Giáo sư Ito khẳng định đối với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mang tính quốc tế của chế độ Khmer Đỏ, việc Quân đội Việt Nam lật đổ chế độ này là hành động giải cứu nhân loại, là một đóng góp lớn của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế. Đó chính là ý nghĩa tích cực của việc Quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia.