Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong lần về thăm lại chiến trường xưa (ảnh Báo Bình Phước).
Tổ chức đánh địch tại chỗ
Là người trực tiếp chiến đấu ở miền Nam ở và từng làm việc với Đại tướng Lê Đức Anh, khi trao đổi với PV Dân Việt, Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho biết: Sau khi đổ bộ vào miền Nam, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành nhiều cuộc càn quét lớn từ năm 1965 -1966, nhất là ở vùng ngoại ô Sài Gòn, nhưng địch đều thất bại. Phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã rút ra một nhận xét, nếu cứ tiếp tục càn quét như vậy không những không đạt được mục đích.
Bộ chỉ huy quân địch thấy cần phải tấn công cơ quan đầu não của quân giải phóng. Năm 1967, chúng đã tập trung lực lượng lớn để tấn công để tìm diệt cơ quan đầu não và chủ lực của ta.
Đại tướng Lê Đức Anh lúc sinh thời (ảnh IT).
Theo hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền họp, thống nhất nhận định: địch sẽ tổ chức cuộc hành quân đánh vào cơ quan Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực của ta. Ta cần phải di chuyển cơ quan (người, tổ chức gọn nhẹ). Bộ đội chủ lực ở vòng ngoài, khi xuất hiện thời cơ thì đánh tập kích. Lực lượng tại chỗ sẽ tổ chức đánh địch bằng một phương thức mới, bám trụ và bung ra đánh.
Khi bám trụ trong hoàn cảnh trên địa bàn tác chiến không có dân thì ta sẽ tổ chức cán bộ, nhân viên ở các cơ quan của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền thành nhiều đội du kích xã, ấp để phát huy cao độ ưu thế của du kích. Bộ Chỉ huy Miền giao cho ông Lê Đức Anh tổ chức lực lượng đánh địch tại chỗ.
Trung tướng Đặng Quân Thụy (ảnh X.H).
Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết, Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó là Tham mưu trưởng của Bộ Chỉ huy Miền đã xây dựng và triển khai kế hoạch đánh địch một cách cụ thể, chi tiết. “Ông không những phổ biến chủ trương mà còn xây dựng kế hoạch cụ thể để tác chiến nhằm đánh bại cuộc hành quân của địch. Quyết tâm đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến cán bộ chỉ huy các cấp phía dưới”, Trung tướng Đặng Quân Thụy nói.
Phương pháp bung ra tìm địch để đánh
Theo hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh, ông chỉ đạo các cơ quan xác định phương châm tác chiến là tổ chức các "ấp, xã chiến đấu", bám trụ đánh địch tại chỗ, giữ chắc các ấp, xã chiến đấu. Nơi địch không đến thì bung ra tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, thực hiện tiêu hao địch rộng rãi, vừa chiến đấu vừa bảo đảm phục vụ chiến đấu, bảo vệ an toàn cơ quan và kho tàng, duy trì cuộc sống và sinh hoạt bình thường trong căn cứ để đánh lâu dài với địch.
Đối với cơ quan Bộ Chỉ huy Miền thì mỗi ngành sẽ tổ chức thành một “huyện đội" do chủ nhiệm ngành làm “huyện đội trưởng", tổ chức triển khai đứng chân và xây dựng trận địa chiến đấu trên một địa bàn huyện (hành chính) với các "xã chiến đấu", "ấp chiến đấu" có chiều sâu và chiều rộng phòng ngự liên hoàn… Từ 20 đến 30 người tổ chức thành một "ấp" chiến đấu và có một tiểu đội du kích. Từ hai đến ba "ấp" thành một "xã". Xã có có ba đội du kích; huyện có đại đội cơ động. Công sự thì đào hố cá nhân và giao thông hào là chủ yếu, không làm hầm to kiên cố. Cứ 5 đến 10m lại đào một hố cá nhân, còn thời gian thì làm nắp chống đạn. Các cơ quan và đơn vị phải đào hầm bí mật dự trữ ba tháng lương thực, thực phẩm.
Trung tướng Đặng Quân Thụy nhớ lại: “Tôi làm việc với ông Lê Đức Anh để trao đổi kế hoạch ở cấp phòng, như cách bảo vệ địa bàn của cấp phòng thế nào, bảo vệ cơ quan thế nào. Khi chúng tôi trình bày kế hoạch, ông Lê Đức Anh lắng nghe rất kỹ, sau đó ông nêu một số tình huống có thể xảy ra để chúng tôi suy nghĩ. Có thể nói ông rất quan tâm đến kế hoạch”, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết.
Vẫn theo Trung tướng Đặng Quân Thụy, đối phó với cuộc hành quân Junction City của địch , đơn vị cấp phòng của ông đã thực hiện đúng chủ trương và phương pháp là bung ra tìm địch để đánh chứ không chờ địch đến. “Anh em trong phòng bố trí thành những tổ chiến đấu với trang bị súng AK, B40, mìn, rồi bung ra các hướng mà địch có thể hành quân qua để phục kích. Đơn vị chúng tôi có diệt được một số xe thiết giáp và giữ được địa bàn”, Trung tướng Đặng Quân Thụy kể
Sau cuộc chiến đấu chống lại cuộc càn quét trên của địch, Trung tướng Đặng Quân Thụy có dịp gặp và báo cáo lại công việc với vị chỉ huy Lê Đức Anh. “Ông đã hoan nghênh và biểu dương thành tích. Ông hỏi chúng tôi có khó khăn gì. Tôi nói, hiện nay thông tin liên lạc giữa các đơn vị hóa học (ông Thụy lúc đó là Trưởng phòng Hóa học –Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam), cũng như với các đơn vị bạn không được thông suốt vì phương tiện còn quá ít. Nghe xong, ông Lê Đức Anh đã bàn với phòng thông tin và yêu cầu tăng cương phương tiện cho bộ đội hóa học, Nhờ đó chúng tôi tổ chức được hiệp đồng giữa các đơn vị, góp phần đánh bại cuộc hành quân Junction City”, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết.
Cuộc hành quân Junction City của quân Mỹ chẳng những không tìm và diệt được cơ quan đầu não kháng chiến của ta, không tìm và diệt được các đơn vị chủ lực của ta, không phá được căn cứ kháng chiến, không bịt được biên giới, mà còn bị tổn thất nặng nề. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên chủ yếu là Mỹ; phá hủy hơn 900 xe quân sự, 112 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 160 máy bay, đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ…
"Trong cuộc hành quân Junction City, lực lượng được huy động tổng lực gồm: quân Mỹ với 31 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn và 8 tiểu đoàn tăng - thiết giáp, 4 trung đoàn pháo, 8 tiểu đoàn công binh; quân đội Sài Gòn với 1 lữ đoàn dù, 8 đại đội biệt kích và 4 đại đội. Lực lượng không quân gồm: 9 phi đoàn máy bay phản lực chiến đấu F100 và F5A; 5 tiểu đoàn máy bay trực thăng vũ trang (CH47, HU1A, HU1B); 3 phi đoàn máy bay vận tải gồm hai loại máy bay C123, C130; 22 máy bay trinh sát L19, SR101, MOHOC và một số máy bay B52,... Đây là cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh và là cuộc hành quân thua đau nhất của Mỹ”, trích hồi kỳ Đại tướng Lê Đức Anh - cuộc đời và sự nghiệp cách mạng. |
Lương Kết - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)