ĐBQH: "Thầy cô giờ không dám nghiêm khắc với học sinh, sợ xã hội"

Thứ ba, 21 Tháng 5 2019 15:40 (GMT+7)
“Vậy thì bây giờ thì sao, cái gì cũng sợ, sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn, rồi đổi mới bằng việc là đánh giá không cần dùng điểm; cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương”, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình nói khi góp vào dự án Luật Giáo dục.

dbqh: "thay co gio khong dam nghiem khac voi hoc sinh, so xa hoi" hinh anh 1

Đại biểu Bùi Văn Phương (ảnh quochoi.vn).

Ngày 21/5, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Một trong những quy định đáng chú ý trong dự thảo Luật là độ tuổi đi học (Điều 28). Cụ thể, học sinh vào học lớp một là 6 tuổi; tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi; tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi. Theo ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình): học có thi, thi có đỗ, có trượt, khi đánh giá có em được lên lớp, có em không. Việc các em trượt không được lên lớp vẫn đi học là bình thường. “Nếu như chúng ta quy định như trên thì coi như đẩy các em phải lên lớp, đẩy các em phải tốt nghiệp”, ĐB Phương nói và cho rằng, quy định như trên là không cần thiết.

Vị ĐB này nói thêm, nếu như đào tạo theo cách học thế nào cũng được lên lớp, rèn luyện thế nào cũng được tốt nghiệp thì con em chúng ta sẽ ảo tưởng về năng lực của mình, rồi tương lai xã hội sẽ ra sao.

Vị ĐB này đặt vấn đề, cha ông chúng ta ngày xưa giáo dục thế nào, ông cha ta ngày xưa dạy con, cho con đi học, chọn thầy cho con là chọn thầy hay chữ, dữ đòn, thầy phải giỏi và nghiêm khắc. Các thầy cô trách phạt học sinh nhưng học sinh và thầy cô vẫn tình cảm, vẫn yêu thương vì trách phạt của thầy cô là đúng.

“Nhiều người bây giờ làm ông bà, làm cha mẹ, làm lãnh đạo, khi nhớ lại thời học sinh có nhiều điều chúng ta thấy sự trách phạt của thầy cô chính là những bài học cho hôm nay. Vậy thì bây giờ thì sao, cái gì cũng sợ, sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn, rồi đổi mới bằng việc là đánh giá không cần dùng điểm, cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp được thì cũng sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh, sợ xã hội”, ĐB Bùi Văn Phương nói.

Cũng đề cập tới vấn đề tuổi đi học của học sinh, ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: Theo dự luật, đối với học sinh học trễ, tuổi cao hơn thì có 6 khoản được đi học: Một là học sinh người dân tộc thiểu số; Hai là học sinh khuyết tật, kém phát triển; Ba là học sinh mồ côi, không nơi nương tựa; Bốn là học sinh hộ nghèo; Năm là học sinh người nước ngoài về nước; Sáu là học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

“Như vậy, con của những phụ huynh ở điều kiện tốt, không khó khăn như ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, quận, huyện mà không ở vào trường hợp nêu trên, muốn đi học nhưng quá tuổi thì không thể vào trường được. Hay trường hợp con em đang mắc bệnh phải điều trị, bỏ dở qua năm học, sau đó mới được vào lớp 1, lớp 6, lớp 10. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại, điều chỉnh quy định là hơn tuổi nhưng có lý do vẫn được học”, ĐB Tuấn góp ý.

Cũng đề cập tới điều 28 của dự thảo Luật, ĐB Trần Kim Yến (TP.HCM) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm trong xu thế phát triển chung thì có hình thức tự học để đến trường thi. “Trong một số trường hợp vì lý do nào đó các em không thể đến trường nhưng bằng nhiều cách các em có thể học, chỉ cần các em thi và vượt qua kì thi theo quy định thi được ghi nhận theo hình thức này”, ĐB Yến nói.

Ngọc Lương - (danviet.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị