ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại tổ (ảnh quochoi.vn).
Góp ý về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60 tuổi), trong dự thảo Bộ Luật lao động, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, tốt nhất nên quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau và có lộ trình thực hiện. Riêng phụ nữ được quyền nghỉ hưu linh hoạt trong 5 năm cuối của đời công tác. Theo ông, đây là do đặc thù chứ không phải ưu tiên.
Vẫn theo ĐB Nhưỡng, cần phải hiểu bản chất của hưu trí, hưu trí của chúng ta ngày trước là Nhà nước bao cấp, người đóng đủ bảo hiểm xã hội 20 năm, đến 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam là nghỉ hưu, sau đó sống đến 100 tuổi, 150 tuổi thì vẫn lĩnh lương hưu.
Theo ĐB Nhưỡng ở nhiều quốc gia, chế độ đóng dài hạn như bảo hiểm thì phải đóng theo tài khoản cá nhân. Năm 2004, các chuyên gia kinh tế khi đến Việt Nam đã khuyên chúng ta thực hiện theo cách này. “Các nước làm việc này đã lâu nhưng chúng ta vẫn theo chế độ bao cấp. Ngày trước Nhà nước bao cấp, còn hiện nay người về sau bao cấp cho người về trước. Chế độ hưu trí như hiện nay thì dễ dẫn tới vỡ quỹ bảo hiểm nhưng không ai để ý. Trung bình một người đóng vài chục tháng lương vào quỹ bảo hiểm xã hội hưu trí nhưng hưởng đến hết đời hàng trăm tháng lương, vậy ai là người đóng cho anh hưởng”, ĐB Nhưỡng nói đề nghị sau này nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm xã hội, quy định đóng chế độ hưu trí theo tài khoản cá nhân. “Có như thế mới hiểu được việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là chuyện bình thường”, ĐB Nhưỡng nói.
ĐB Đặng Thuần Phong phát biểu tại tổ (ảnh quochoi.vn).
Cũng nói về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nói về bình đẳng giới thì nam, nữ là như nhau. Khi lý giải về đề xuất tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn nam, Chính phủ cho rằng căn cứ vào điều kiện sức khỏe, tuổi thọ. “Hiện nay nữ sống thọ hơn nam, sao quy định lại tuổi nghỉ hưu thấp hơn nam”, ĐB Phong nói.
Vẫn theo ĐB Phong, nếu tính tuổi nghỉ hưu trong điều kiện dân số vàng, chưa phải là dân số già thì cần cân nhắc. “Nếu trong điều kiện dân số già thì đương nhiên phải tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cho lực lượng lao động trong xã hội. Còn trong điều kiện dân số vàng, lực lượng lao động rất nhiều mà tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp trung của quốc gia”, ĐB Phong nói và cho biết, ông tán thành có lộ trình để nâng dần tuổi nghỉ hưu để đáp ứng xu thế dân số già trong giai đoạn tới để không bị động sau này.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, ông chọn phương án 1 như của Chính phủ trình trong dự thảo Luật. Đó là: Tuổi hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. “Phương án này sẽ tránh việc xáo trộn, biến động nhiều”, ĐB Tiến nói.
ĐB Trần Văn Tiến phát biểu ở tổ (ảnh quochoi.vn).
Còn về khung tuổi nghỉ hưu, theo ĐB Tiến, đối với nam 60 hay 62 tuổi mới được nghỉ hưu không quan trọng. “Đối với tôi có khi nghỉ hưu sớm còn thích hơn, bởi nghỉ hưu rồi đi làm việc khác hiệu quả hơn mà không phải tư duy nhiều. Còn khi làm việc ở Nhà nước áp lực, trừ những người ở vị trí không bị áp lực”, ĐB Tiến nói.
ĐB Đinh Văn Nhã phát biểu tại tổ (ảnh quochoi.vn).
ĐB Đinh Văn Nhã (Phú Yên) nêu quan điểm đồng tình với đề xuất nâng tuổi hưu. Theo vị ĐBQH này tới nay chúng ta mới đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là hơi muộn. Không phải nước giàu mới kéo dài tuổi nghỉ hưu mà là chiến lược của quốc gia. Kéo dài tuổi nghỉ hưu với nữ thêm 5 năm (đề xuất tuổi nghỉ hưu của nữ 60, luật hiện hành là 55), nam thêm 2 năm (đề xuất nam 62 tuổi nghỉ hưu, luật hiện hành là 60), như vây nữ phải đóng góp cho quỹ bảo hiểm xã hội nhiều hơn là không công bằng. Nên quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là 58, còn nam là 62", ĐB Nhã đề nghị.
Lương Kết - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)