ĐBQH Mong Văn Tình (anhrquochoi.vn).
Chiều nay (10/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Phát biểu góp ý, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đồng thuận với bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” như đề xuất của Chính phủ. Bà cũng đồng tình với việc xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu khi phát hiện vi phạm. Bởi việc này được dư luận đồng tình cao, có tác dụng răn đe.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hằng, kỷ luật cán bộ, công chức về hưu với hình thức “xóa tư cách” thì chưa phù hợp. Ngoài ra, ĐB này còn cho rằng, phạm vi, đối tượng xử lý như dự thảo luật đưa ra là quá rộng. “Luật chỉ nên nhắm vào việc “xóa tư cách” là người có chức vụ. Còn với cán bộ công chức thường không có gì để xóa”, ĐB Trần Thị Hằng nói.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ sự đồng tình với bổ sung quy định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu khi phát hiện vi phạm. Theo ông đó là cách để phòng ngừa, răn đe đối với các bộ công chức khi làm việc, đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân để không được sai phạm; phòng ngừa tư duy nhiệm kỳ; phòng ngừa cán bộ công chức sắp nghỉ hưu kiếm lợi ích cục bộ, rồi “hạ cánh an toàn”.
Theo ĐB Hòa, về vấn đề trên luật cần quy định rõ ràng hơn, đồng thời có giải thích các trường hợp người nghỉ hưu bị thi hành kỷ luật cách chức lúc đương chức vi phạm thì các văn bản do người đó ký lúc đương chức nay có giá trị không.
ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng, quy định xử lý kỷ luật cán bộ công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác về bản chất là xử lý hồi tố. Tuy nhiên, ông đề nghị cân nhắc luật hóa với hình thức xử lý kỷ luật “xóa tư cách” chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Bởi lẽ nếu chỉ xóa tư cách đã đảm nhiệm thì thực chất chỉ là xóa cái danh, vấn đề đặt ra là các chế độ chính sách kèm theo như hệ số phụ cấp, thưởng, và một số chế độ khác của cán bộ đó đã được hưởng liệu có truy thu không? Ngoài ra, việc xóa tư cách đã đảm nhiệm còn ảnh hưởng đến quyết định, văn bản do cán bộ, công chức đó ký trong thời điểm cán bộ, công chức đó vi phạm. Nếu luật hóa quy định này đồng nghĩa với việc tính pháp lý của những văn bản của cán bộ, công chức đó ký không còn hiệu lực.
Đề cập về đề xuất của Chính phủ bỏ quy định giáng chức, ĐB Mong Văn Tình cho rằng, ông đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” trong Luật. Vị ĐBQH này phân tích thêm, giáng chức là hạ xuống chức vụ xuống một bậc thấp hơn. Nếu như bỏ quy định giáng chức thì trong Luật chỉ còn các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.
“Đối với những cán bộ công chức vi phạm chưa đến mức phải cách chức hay buộc thôi việc nếu chỉ thi hành kỷ luật hạ bậc lương, cảnh cáo hay khiển trách là quá nhẹ, nên trong trường hợp này thi hành kỷ luật giáng chức là phù hợp”, ĐB Tình nói và lấy ví dụ: Một cán bộ giữ chức vụ trưởng phòng vi phạm kỷ luật bị giáng chức xuống Phó trưởng phòng thay vì cách chức làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận mọi nỗ lực phấn đấu của công chức trong một quá trình dài, trong khi họ chỉ vi phạm trong thời gian làm trưởng phòng.
“Việc áp dụng giáng chức cũng là cách để tận dụng chất xám của cán bộ công chức đó tại vị trí việc làm đã gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để chính cán bộ công chức đó có cơ hội sửa sai với những khuyết điểm của mình để phấn đấu vươn lên”, ĐB Mong Văn Tình nói.