Một trong các tàu thuộc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc - Ảnh: Schottel
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22-8, phóng viên nêu câu hỏi Việt Nam có phản ứng như thế nào và hành động gì cụ thể sau khi nhóm tàu Trung Quốc quay lại vùng biển Việt Nam?
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương 8 đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp hình hình, đe doạ đến hoà bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Ngô Nhung
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và theo đúng pháp luật Việt Nam.
Với quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hoà bình, ổn định, an ninh khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Một lần nữa, Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hoà bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vừa qua có nói vùng biển tàu Trung Quốc hoạt động thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc? Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8, phía Việt Nam đã nói rõ nhiều lần, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Trung Quốc từ đầu tháng 7 triển khai tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 dưới sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh và dân binh có các hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Từ khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Sau khi Việt Nam nhiều lần kiên quyết phản đối và lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế, nhóm tàu Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào chiều 7-8.
Ngày 13-8-2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. "Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.