Quyền lực “mở rộng” nhưng ông Trump có dễ “nói là làm”?

Chủ nhật, 10 Tháng 11 2024 13:24 (GMT+7)
Việc trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp như cam kết của ông Donald Trump có thể dẫn đến những thách thức về mặt hậu cần và tiền bạc.
 
Quyền lực ông Trump "mở rộng"
Một khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, dự kiến vào tháng 1-2025, ông Donald Trump sẽ khởi đầu nhiệm kỳ 2 với quyền lực ít bị giới hạn hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Trong khi đó, các đồng minh khắp Washington sẵn sàng hỗ trợ ông đạt được các mục tiêu đề ra.
 
Tại quốc hội, các thành viên Đảng Cộng hòa từng chống đối ông, như cựu hạ nghị sĩ Liz Cheney và cố Thượng nghị sĩ John McCain, đã được thay thế bằng những nhà lập pháp có quan điểm ngược lại.
 
Ngoài ra, Tòa án Tối cao đã nới lỏng các rào cản pháp lý từng kiềm chế các tổng thống trước đây. Đáng chú ý, một phán quyết của tòa án này hồi tháng 7 cho phép tổng thống được miễn truy tố hình sự.
 
Quyền lực "mở rộng" nhưng ông Trump có dễ "nói là làm"?- Ảnh 1.
Một khi tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm tới, ông Donald Trump sẽ khởi đầu nhiệm kỳ 2 với quyền lực ít bị giới hạn hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Ảnh: Facebook
 
Khả năng các nhân sự được ông Trump bổ nhiệm qua ải Thượng viện cũng dễ dàng hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. 
 
Đảng Cộng hòa có thể kiểm soát từ 52-57 ghế tại cơ quan có 100 ghế này sau cuộc bầu cử hôm 5-11. Điều này có nghĩa là cuộc bỏ phiếu về nhân sự sẽ không nhất thiết phụ thuộc vào những thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa có tư tưởng độc lập như Susan Collins và Lisa Murkowski.
 
Dù vậy, do cuộc bầu cử Hạ viện vẫn chưa biết hết kết quả, ông Trump vẫn có thể đối mặt một thách thức tiềm tàng: Đảng Dân chủ có thể giành quyền kiểm soát cơ quan này, từ đó cho phép họ ngăn chặn chương trình nghị sự lập pháp của ông và mở các cuộc điều tra về chính quyền của ông.
 
Có dễ trục xuất hàng loạt?
Ngoài ra, ông Trump có thể gặp khó khăn nếu muốn thực hiện những cam kết chủ chốt khi còn tranh cử, nổi bật là trục xuất hàng loạt người nhập cư và đánh thuế mạnh lên hàng hóa nhập khẩu.
 
Là người có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư từ khi bắt đầu tranh cử vào Nhà Trắng năm 2015, trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Trump đã hứa sẽ tiến hành trục xuất hơn 13 triệu người nhập cư đang ở lại Mỹ bất hợp pháp.
 
Vì thế, theo đài CNN, ông Trump có thể nhậm chức với hàng loạt sắc lệnh hành pháp đã được chuẩn bị sẵn để khôi phục một loạt chính sách biên giới mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gỡ bỏ.
 
Quyền lực "mở rộng" nhưng ông Trump có dễ "nói là làm"?- Ảnh 3.
Người nhập cư tại biên giới TP Lukeville, bang Arizona, sát biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Daily Mail
 
The US-Mexico border wall in Campo, California Photographer: Mark Abramson/Bloomberg
Bức tường biên giới Mỹ - Mexico tại Campo, bang California. Ảnh: Bloomberg
 
Ông Stephen Miller, cố vấn của ông Trump, nói với đài Fox News rằng tiến trình trục xuất có thể bắt đầu ngay khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 2. Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ chính xác việc trục xuất sẽ diễn ra như thế nào.
 
Nghị sĩ Carlos Gimenez của Đảng Cộng hòa nói đến kịch bản mỗi người nhập cư không có giấy tờ sẽ tiếp tục có một phiên thẩm vấn trước khi bị trục xuất. Điều này đòi hỏi việc tuyển dụng thêm nhiều nhân viên chính phủ nếu việc trục xuất được thực hiện trên quy mô lớn.
 
Một kế hoạch như thế cũng cần nhiều thời gian và dẫn đến những thách thức về mặt hậu cần và tiền bạc, như chi phí xây trại tạm giam và tăng cường nguồn tài trợ mạnh mẽ cho việc thực thi nhập cư.
 
Ngoài ra, hiện chưa rõ ông Trump sẽ thực hiện việc đóng cửa biên giới Mỹ như thế nào và liệu điều này có cần sử dụng đến quân đội, Lực lượng Vệ binh Quốc gia hoặc các cơ quan thực thi pháp luật địa phương hay không.
 
A truck drives past shipping containers at the Port of Philadelphia in Pennsylvania on Nov. 6. Photographer: Hannah Beier/Bloomberg
Container hàng hóa tại cảng Philadelphia ở bang Pennsylvania - Mỹ. Ảnh: Bloomberg
 
Áp thuế quan là "lợi bất cập hại"?
Khi tranh cử, ông Trump thường nói đến kế hoạch áp đặt mức thuế chung từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, cùng với mức thuế bổ sung từ 60% đến 100% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, theo đài CNBC.
 
Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo kế hoạch áp thuế toàn diện đối với hàng hóa nước ngoài của ông Trump sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và có nguy cơ gây ra cuộc chiến thương mại.
 
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (2017-2021), ông Trump cho rằng chính sách thuế quan của mình sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ và tăng nguồn thu.
 
Dù vậy, theo trang The Conversation, những biện pháp của nhà lãnh đạo này khi đó không mang lại hiệu quả như những gì ông muốn.
 
Trên thực tế, việc áp thuế quan thực sự khiến Mỹ càng phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài hơn trong khi không kích thích thị trường việc làm trong nước. Các biện pháp này cũng làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ và gây ra thuế trả đũa từ các đối tác thương mại, trong đó có Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
 
 

Bài viết mới nhất của Thế Giới