Dựa vào dân để lo cho dân

Thứ bảy, 01 Tháng 2 2020 08:07 (GMT+7)
Mỗi tháng, Bí thư Huyện ủy Đam Rông (Lâm Đồng) Trần Minh Thức lại về một chi bộ thôn, buôn để dự sinh hoạt cùng đảng viên tại cơ sở. Địa bàn được chọn thường là nơi khó khăn hoặc mới phát sinh vấn đề cần xử lý. Không chỉ riêng Đam Rông, đó là phương thức hành động gần dân, sát dân, dựa vào dân để lo cho dân mà hầu hết cấp ủy các cấp tại Tây Nguyên đang vận dụng và mang lại hiệu quả.
Dựa vào dân để lo cho dân
Nhiều già làng ở Tây Nguyên là bí thư chi bộ thôn, buôn, những cánh chim đầu đàn ở cơ sở.
 
Về cách làm này, đồng chí Trần Minh Thức trao đổi thêm: “Có những buổi sinh hoạt tại chi bộ thôn, buôn, tôi đề nghị mở rộng thành phần cho đại diện người dân cùng tham gia. Khi lãnh đạo huyện cởi mở, lắng nghe, sẽ biết mọi thông tin chính xác, sát thực, rồi cùng bàn bạc tìm cách tháo gỡ. Việc nào cần thời gian sẽ giao cho cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết và báo cáo lại”. Lãnh đạo cấp ủy bám sát thực tế, nắm chắc những vấn đề phát sinh, dựa vào dân, lắng nghe dân, mới xử lý tốt được công việc ở cơ sở, nhất là những vùng sâu, vùng xa.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, là vùng đất giàu tiềm năng phát triển. Đến nay, năm tỉnh tại khu vực có dân số khoảng 5,6 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 34%. Tây Nguyên đã từng xảy ra điểm nóng, những khó khăn mới phát sinh như mâu thuẫn về đất đai, về tài nguyên rừng, khoáng sản, di cư tự do… là những vấn đề phải giải quyết thường xuyên. Nếu cấp ủy các cấp không kịp thời phát hiện, xử lý rốt ráo thì rất dễ dẫn đến diễn biến phức tạp, hậu quả khó lường. “Gần dân, dựa vào dân để lo cho dân” không phải là khẩu hiệu mà trở thành phương châm hành động của các cấp ủy. Gần dân mới thấy được thực tế đổi thay qua việc hiện thực hóa các nghị quyết, hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Gần dân, tiếp nhận ý kiến của dân để làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Gần dân để giải đáp những tâm tư của dân, để lĩnh hội thực tiễn bằng hình ảnh, đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn và điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lòng dân. Gần dân, dựa vào dân mới có thể chăm lo cho dân, cùng dân lựa chọn sinh kế, cải thiện đời sống, nhất là đồng bào ở những vùng còn nhiều khó khăn...

Với tinh thần đó, hằng tuần, hằng tháng, lãnh đạo tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên đều có kế hoạch, lịch trình cùng các sở, ban, ngành có những chuyến công tác về cơ sở để gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhân dân, từ đó đưa ra định hướng, hướng dẫn thực tế cho dân làm. Gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Nguyễn Xuân Tiến đã cùng đoàn công tác về xã vùng sâu Phi Tô (huyện Lâm Hà). Chứng kiến thực tế và nghe đại diện nhân dân, cấp ủy cơ sở báo cáo tình hình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nắm được điểm mạnh, điểm yếu của địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Hay những chuyến đi đến làng người H’Mông di cư tự do tại xã Liêng S’rônh (huyện Đam Rông), xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên), những vùng đất xa xôi của tỉnh, để nghe đại diện thôn, xã và già làng bày tỏ. Qua đó, thấy rằng thực tiễn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. “Với đồng bào di cư tự do, chúng tôi đã đến tận nơi bà con sinh sống để xem tình hình thực tế, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ” - đồng chí Nguyễn Xuân Tiến bày tỏ.

Cấp ủy các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị các cấp tăng cường “bám” cơ sở, với phương châm: “Tỉnh bám tới xã; huyện bám thôn, tổ dân phố; xã bám tới hộ dân”. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng. Đội ngũ cán bộ luôn bám sát và thật sự là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị ở cơ sở đã kịp thời phát hiện và giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. Nhờ đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; thế trận lòng dân ngày càng thêm vững chắc; đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Đảng hiện hữu trong lòng dân, dân vững niềm tin với Đảng. Theo Đảng, đồng bào Tây Nguyên không chỉ làm nên những kỳ tích trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc đã biến vùng đất gian lao, đói nghèo trong kháng chiến thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhất là cây công nghiệp. Đến nay, Tây Nguyên có hơn 582 nghìn héc-ta cà-phê với sản lượng bình quân đạt 1,3 triệu tấn nhân mỗi năm; gần 72 nghìn héc-ta hồ tiêu, sản lượng đạt từ 121 nghìn tấn trở lên và cao-su, điều, ca-cao cũng phát triển mạnh, tăng thu nhập cho người dân. GDP bình quân đầu người đến nay đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 13 lần so năm 2001. Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo được các tỉnh Tây Nguyên thực hiện. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 3%. Toàn vùng đã có một huyện và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Quy mô giáo dục ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả khả quan, đến thời điểm này số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế toàn vùng đạt 55%, xã và trạm y tế có bác sĩ đạt 88%, số bác sĩ trên một vạn dân đạt 7,42%; tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 72%. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 15% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn khoảng 4,5%...

Để có được những thành tựu vượt bậc nêu trên, vai trò lãnh đạo của Đảng là vô cùng quan trọng. Tính đến nay, toàn vùng Tây Nguyên đạt 99,92% các buôn, làng đã có chi bộ đảng; 99,81% buôn, làng có đảng viên là người dân tộc tại chỗ. Trong những năm qua, Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ, đảng bộ ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và phức tạp về an ninh; tiếp tục thực hiện phân công cấp ủy viên các cấp phụ trách, theo dõi và tham dự sinh hoạt với những chi bộ có tính đặc thù.

Hệ thống chính trị và chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở thôn, buôn tại Tây Nguyên được nâng cao đã kịp thời lãnh đạo, nắm bắt tâm tư, ghi nhận những khó khăn của đồng bào để đề xuất các ngành, các cấp giải quyết. Các tỉnh cũng quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín tại cộng đồng. Riêng tại Lâm Đồng đã xây dựng được gần 500 người có uy tín cốt cán trong vùng đồng bào DTTS. Già làng, người có uy tín chính là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng dân cư với hệ thống chính trị. Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng Bon Yô Soan, phân tích: “Khi già làng, người có uy tín là đảng viên sẽ càng thuận lợi. Trước hết, họ là người được buôn làng tín nhiệm lại được trang bị về lý luận, cùng với việc am hiểu phong tục, tập quán của bà con, qua đó, sẽ có nhiều cách tuyên truyền phù hợp. Họ thuyết phục đồng bào dễ nghe”. Già làng Klong Ba cũng là Bí thư Chi bộ thôn Ta Ly 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), nói rằng: “Ở buôn mình có 11 họ tộc. Để triển khai tốt công việc, để dân hiểu, dân tin, trước hết thì già làng, tộc trưởng, đảng viên phải biết làm gương. Nhưng muốn làm gương thì phải có kiến thức, phải hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quan trọng là biết cách tuyên truyền, phổ biến phù hợp. Phải thấu hiểu cuộc sống của đồng bào mới giúp họ chấp hành tốt vai trò công dân, tìm cách thoát nghèo, vươn lên làm giàu được...”.

Lời của Klong Ba, già làng kiêm bí thư chi bộ một thôn đồng bào DTTS vừa dẫn lại trên đây cũng là tâm nguyện chung của lãnh đạo cấp ủy các cấp và đội ngũ “người của Đảng” trên đại ngàn Tây Nguyên.
 
UÔNG THÁI BIỂU - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị