Dự thảo Luật cư trú: Bỏ phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu

Chủ nhật, 24 Tháng 5 2020 16:20 (GMT+7)
Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được trình Quốc hội xin ý kiến tại kỳ họp lần này nhằm tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.
Dự thảo Luật cư trú: Bỏ phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu
Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: QUANG HOÀNG.
 
Ngày 23-5, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
 
Bốn điểm mới trong dự thảo Luật về quản lý cư trú
 
Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về cư trú, đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư ở nước ta. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào đăng ký, quản lý cư trú đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết.
 
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm bảy chương, 43 điều (tăng một chương Nơi cư trú) và tăng một điều so với Luật Cư trú hiện hành; trong đó, bổ sung 12 điều, bỏ tám điều, chỉnh lý 24 điều), có bốn nội dung mới.
 
Thứ nhất, Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.
 
Thứ hai, về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú, Dự thảo Luật quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
 
Thứ ba, Dự thảo Luật bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 23-5 của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
 
Thứ tư, Dự thảo Luật bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú. Việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú này để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, cũng như giúp Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn; quy định này chỉ áp dụng đối với người không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú. Việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin khác của công dân trong hai cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường.
 
Cần làm rõ tính khả thi, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân
 
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Pháp luật (UBPL) tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.
 
Tuy nhiên, về phương thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ bốn vấn đề.
 
Một là, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân, còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp, do đó cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân theo tiến độ đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
 
Hai là, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để bảo đảm tính khả thi của Luật thì đến thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở; đồng thời, kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác cũng như với các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
 
Ba là, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân. Do đó, cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
 
Bốn là, khi không còn Sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch dân sự có thể sẽ gặp khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết. Do đó, UBPL đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.
 
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương là vấn đề cần cân nhắc thận trọng, nhất là khi mà cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng dịch vụ thiết yếu cơ bản ở các thành phố trực thuộc trung ương so với các địa phương khác đang còn có sự chênh lệch đáng kể thì vẫn cần thiết duy trì những điều kiện đăng ký thường trú riêng nhằm hạn chế tình trạng nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn.
 
Về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý cư trú, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của các loại giấy tờ về cư trú theo quy định của dự thảo Luật như Giấy xác nhận khai báo cư trú, Phiếu khai báo tạm vắng.
 
Cuối cùng, đối với quy định của dự thảo Luật về xóa đăng ký thường trú trong trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài; một số ý kiến cho rằng, quyền tự do cư trú là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, do đó việc xóa đăng ký thường trú có thể tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hơn nữa, cần làm rõ và có giải pháp xử lý đồng bộ về giá trị pháp lý của các giấy tờ cá nhân có liên quan đến nơi thường trú khi xóa đăng ký thường trú. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần cân nhắc kỹ, chỉ nên quy định xóa đăng ký thường trú của công dân trong trường hợp thật cần thiết.
 
NHÓM PHÓNG VIÊN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Chính Trị