Sớm hỗ trợ người dân
Phát biểu chỉ đạo sau khi dành phút mặc niệm các chiến sĩ, người dân hy sinh, thiệt mạng do bão lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong tháng 10, "lũ chồng lũ, bão chồng bão" gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Đến nay, đã có 220 người tử nạn, mất tích, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội và công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Hiện nay, vẫn còn nhiều người gặp nạn ở biển khơi, bị núi lở vùi lấp chưa tìm thấy. Do đó, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an, cùng các địa phương tiếp tục tìm kiếm cứu nạn.
Thủ tướng nhất trí việc hỗ trợ một khoản tiền cần thiết cho những hộ dân có nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về mức hỗ trợ để triển khai kịp thời.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đề nghị các bộ - ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm để ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả. Trong đó, chú ý công tác ứng phó với cơn bão số 10 đang hướng vào biển Đông và tình hình lũ đang lên ở miền Trung. Bộ NN-PTNT - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tiếp tục tổng hợp yêu cầu của các địa phương để Thủ tướng có quyết sách phù hợp hỗ trợ khôi phục các hạ tầng thiết yếu, phục hồi sản xuất.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải sớm tổng hợp, đề xuất Chính phủ những khoản hỗ trợ cho các địa phương. "Không để người dân nào bị thiếu đói. Đặc biệt, cần chuẩn bị vật tư, vật liệu để giá cả các mặt hàng như tôn, ngói, xi-măng không bị đẩy lên. Chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để thể hiện tình tương thân tương ái, bù đắp sự tổn thất, mất mất của nhân dân miền Trung" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2020.Ảnh: Quang Hiếu
Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế
Thảo luận về kinh tế - xã hội tại phiên họp, Thủ tướng cho biết nền kinh tế Việt Nam đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III/2020. Dù bão lũ nghiêm trọng nhưng khả năng năm nay, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2%-3%. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng còn nhiều rủi ro thách thức từ bên ngoài như dịch bệnh, căng thẳng thương mại, bất ổn tài chính toàn cầu; trong nước là thiên tai, lũ lụt...
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh song song với việc đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, tăng tốc trong 2 tháng cuối năm, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5%-3%. Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu tất cả địa phương trên cả nước, các ngành thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Đối với các gói hỗ trợ dịch Covid-19 đang triển khai, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, có thể nghiên cứu, sớm đề xuất gói hỗ trợ bổ sung đợt 2 cho phù hợp. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương triển khai Nghị quyết 154 và Quyết định 32 hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương nhanh, hiệu quả.
Trong lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành việc rà soát tiếp thu ý kiến, điều chỉnh phù hợp với bộ sách giáo khoa lớp 1 với tinh thần minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh - sinh viên, các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ; bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập.
Xem xét kỹ lưỡng thủy điện để tránh rủi ro thiên tai
Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều tối cùng ngày, trả lời các câu hỏi liên quan đến việc đánh giá thế nào về tác động của con người tới thực trạng mưa lũ và sạt lở đất vừa qua ở một số địa phương, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng nguyên nhân chính của lũ ống, lũ quét, sạt lở là do các khu vực đồi núi cao có phân cách mạnh, đặc điểm địa chất dễ gây ra sạt lở. Các hoạt động nhân sinh chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, như phải mở đường, phải san ủi, xây dựng mặt bằng, cơ sở hạ tầng - trong đó có nhà máy thủy điện... Những hoạt động này tạo ra các ta-luy, làm mất chân, mất ổn định của sườn dốc. "Đây là những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sạt lở đất khi thiên tai xảy ra. Còn mất rừng có phải nguyên nhân khiến sạt lở đất hay không thì chúng ta phải đánh giá trong từng sự kiện" - ông Thành nói.
Về tác động của xây dựng các thủy điện nhỏ, ông Thành khẳng định Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đánh giá, thẩm định các yếu tố ảnh hưởng về độ phủ của rừng, ảnh hưởng đa dạng sinh học... "Thời gian qua, chúng ta đã loại bỏ 472 quy hoạch thủy điện nhỏ, nhiều thủy điện cần phải xem xét kỹ lưỡng để phát triển bền vững, tránh rủi ro thiên tai" - ông Thành cho biết.
M.Chiến
Minh Chiến - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)