Phải kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Thứ năm, 26 Tháng 5 2022 17:48 (GMT+7)
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn, nhanh chóng đi vào cuộc sống
 
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 25-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của QH về thí điểm xử lý nợ xấu.
 
Phải kiểm soát giá xăng dầu
Các đại biểu (ĐB) QH cho rằng 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, QH, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược "phòng chống dịch Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. GDP quý IV tăng 5,22%, cả năm đạt 2,58%, nhờ đó đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phát biểu thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đoàn TP HCM) bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ về những kết quả quan trọng đã đạt được. Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian tới. Đó là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế.
 
Các yếu tố đầu vào sản xuất tăng, kéo theo nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn chung. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng thì thời gian gần đây "bốc hơi" hàng tỉ USD. Do đó, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa nhằm ổn định kênh này, để dòng vốn đến với doanh nghiệp.
 
Phải kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tiến độ nhanh hơn, tốt hơn Ảnh: QUANG PHÚC
 
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, nói một trong những mối lo hiện nay của cử tri TP HCM và cả nước đó là tăng giá. "Giá cả tăng đã tác động đến một bộ phận người dân, nhất là những người thu nhập thấp. Sáu tháng cuối năm, điều này sẽ ảnh hưởng đến từng gia đình, từng con người, nhất là những công nhân - lao động, sinh viên, người có thu nhập thấp trong xã hội, nên cần phải hết sức quan tâm" - ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới về việc giá năng lượng và xăng dầu năm 2022 có thể tăng khoảng 50% so với năm 2021, giá lương thực - thực phẩm tăng khoảng 23%. Từ đó, ông Hùng cảnh báo tác động từ tình hình tăng giá của thế giới có thể gây nguy cơ "nhập khẩu" lạm phát của Việt Nam. Vì vậy, trong điều hành cần có đối sách phù hợp.
 
ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đặt lên bàn nghị sự giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua, kiến nghị Chính phủ, QH cần có hành động mạnh mẽ hơn để nhanh chóng kiểm soát giá mặt hàng thiết yếu này. Ông Ngân cho rằng chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng Việt Nam còn có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu, như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
 
"Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ có nguy cơ hiệu ứng domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết số tiền tiết kiệm của họ và hiện người dân rất khó khăn" - ông Ngân lo ngại.
 
Tiền có nhưng không tiêu được, vì sao?
Bàn về tình hình ngân sách, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch nước lưu ý: "Kết quả vừa qua chỉ là kết quả bước đầu nên không được chủ quan, thỏa mãn bởi doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn, đây là điều không thể bàn cãi do tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian dài, tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích lũy của doanh nghiệp cũng như các quỹ của nhà nước".
Theo Chủ tịch nước, cần nhìn thẳng và làm rõ thực chất vì sao thu ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch. Đây là điều bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của dịch Covid-19. Từ đó, Chủ tịch nước lưu ý phải chủ động xử lý, đan ghép, nhuần nhuyễn chính sách và hiểu biết sâu sắc trong điều hành, quản lý.
 
Nêu kinh nghiệm của TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP HCM đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, phục hồi mạnh mẽ và đồng bộ. Sau thời gian dài tăng trưởng âm, TP HCM đã có 4 tháng gần đây tăng trưởng dương liên tục. Đây chính là kết quả của chuyển hướng chính sách một cách quyết đoán, linh hoạt.
 
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng nhìn nhận sự chỉ đạo, điều hành phù hợp đã giúp nền kinh tế từ tăng trưởng âm sang tăng trưởng dương và 5 tháng đầu năm 2022 ở TP HCM thu ngân sách của thành phố tăng 16,8% đã kéo giảm bội chi ngân sách nên nợ công cũng thấp hơn so với đầu năm.
 
Tuy vậy, ông Ngân cảnh báo với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam gặp nhiều thách thức trong bối cảnh không thuận lợi như hiện nay, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng cao, chính sách "zero Covid-19" của Trung Quốc dẫn đến khó khăn về nguồn nguyên vật liệu... Việt Nam xuất siêu nhưng phần lớn từ khu vực FDI nên "vốn nước ngoài có vấn đề và hiện đang có vấn đề sẽ là thách thức với Việt Nam trong thời gian tới".
 
Chia sẻ những vấn đề ĐB lo lắng, phát biểu tại Tổ 12 (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, Bắc Ninh và Kiên Giang), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ chi ngân sách nói chung hiện nay gặp nhiều khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Kết quả đầu tư công cả năm 2021 chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân 32,85%, gói kích thích kinh tế hiện chưa giải ngân được. Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, QH, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù nhưng xuất hiện tình trạng một số nơi không dám mua và một số nơi mua thì sai.
 
"Trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu, phải làm cho rõ. Thể chế là không vướng gì cả. QH cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt rồi, cho phép cả chỉ định thầu - tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mở thêm được nữa. Nếu chúng ta không bàn vấn đề này để có giải pháp hữu hiệu thì QH họp xong, Chính phủ họp xong cũng không chuyển biến được trong thực tiễn" - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
 
Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
 
Dự kiến hôm nay (26-5), QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động; thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). 
 
Đề nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 và 2023
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết hiện nay hầu hết các DN đang thiếu nguồn lao động. Một trong những nguyên nhân là do giá cả tăng cao nhưng lương không tăng, công sức bỏ ra không đủ trang trải cho con cái và gia đình nên người lao động (NLĐ) không muốn quay lại các thành phố để làm việc mà bám trụ ở quê tìm kế sinh nhai. Bên cạnh đó, một số chính sách của Chính phủ dành cho NLĐ cũng chậm đi vào cuộc sống. Ngay cả tiền hỗ trợ thuê nhà theo Nghị quyết 68 đến nay vẫn chậm đến tay NLĐ. Từ thực tế trên, bà Thúy đề nghị Chính phủ sớm cho chủ trương tăng lương tối thiểu vùng năm 2022.
Cũng theo bà Thúy, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất mức tăng 6% nhưng mức tăng này là rất thấp trong tình hình giá cả các mặt hàng đều tăng. Do đó, trong năm 2023 cần tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng.
Lịch sử phải là môn học bắt buộc ở cấp THPT
Trong báo cáo về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với môn lịch sử cấp THPT vừa được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho biết kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy đa số ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn.
Về việc này, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử, ĐBQH, quy định môn học lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp.
V.Duẩn
 
 

Bài viết mới nhất của Chính Trị