Theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ áp các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện của các nhà sản xuất Mỹ cho bên mua là công ty sản xuất con chip Trung Quốc Fujian Jinhua Integrated Circuit Company vì lý do an ninh quốc gia. Đây là thông tin được Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố ngày 29/10.
Jinhua "có khả năng cao dính líu đến những hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ", Bloomberg nhận định.
"Đưa Jinhua vào danh sách các thực thể chịu biện pháp hạn chế sẽ giới hạn khả năng của công ty này trong việc đe dọa chuỗi cung ứng các linh kiện quan trọng trong hệ thống quân đội của chúng tôi", Bộ trưởng bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu.
Với các biện pháp hạn chế được đưa ra, các công ty Mỹ sẽ phải xin giấy phép nếu muốn xuất khẩu, tái xuất hoặc chuyển giao bất kỳ hàng hóa, phần mềm hay công nghệ nào cho Jinhua. Những đơn xin cấp phép đó được mặc định là bị từ chối nếu bên xin không đưa ra được lý lẽ thuyết phục.
Chính quyền Mỹ lo ngại công ty Trung Quốc có thể “làm ngập” thị trường bằng nhiều chip giá rẻ cũng do công ty Mỹ sản xuất cho quân đội Mỹ. Nếu các nhà sản xuất chip Mỹ phá sản, quân đội nước này sẽ mất nguồn cung cho một sản phẩm phải đến từ trong nước Mỹ.
Giới chuyên gia thương mại cho rằng động thái của chính quyền ông Trump là nỗ lực chưa từng có để sử dụng công cụ pháp lý, được biết đến như là cách trừng phạt doanh nghiệp ngoại gửi hàng hóa xuất xứ từ Mỹ sang các nước chịu lệnh trừng phạt như Iran, nhằm bảo vệ khả năng kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem ngành công nghiệp bán dẫn là ưu tiên quan trọng, thậm chí so sánh chip máy tính với trái tim người. “Bất kể một người lớn thế nào, anh ta không bao giờ khỏe mạnh mà không có trái tim mạnh mẽ”, ông Tập nói hồi tháng 4, khi đi thăm một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở miền Trung Trung Quốc.
Đại lục mua nhiều chip máy tính hơn bất cứ nước nào, tiêu thụ khoảng 140 tỷ USD, tương đương 38%, chất bán dẫn của thế giới, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu IC Insights. Dù gắng sức, Trung Quốc vẫn sản xuất chỉ 18,5 tỷ USD, tương đương 13%, tổng số chip toàn cầu. Bắc Kinh đang cố gắng thu hẹp khoảng cách đó nhưng việc phát triển mảng chip là tốn kém, nhạy cảm về mặt chính trị và mất nhiều thời gian.
Với Fujian Jinhua, lệnh cấm có thể khiến hãng sản xuất chip dựa nhiều vào công nghệ ngoại này điêu đứng. Động thái tương tự được Mỹ áp lên hãng ZTE hồi tháng 4, khiến nhà máy của hãng phải ngừng hoạt động nhiều tháng. Fujian Jinhua đã nộp đơn kiện Micron ở Trung Quốc, và hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận về lệnh hạn chế mới từ Mỹ.
Lệnh cấm này có thể làm tăng tiến mâu thuẫn vốn là một trong các khía cạnh của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung.