Tôi tin rằng có thể từ cái tên Dân của ông mà hiểu do đâu tầm vóc, cống hiến của ông lớn lao như vậy. Phàm khi lấy bí danh, biệt danh, mật danh, bút danh..., người ta thường lựa cái tên có ý nghĩa nhất, thể hiện ý nguyện, thậm chí là phác họa chân dung con người mình. Ông Sáu đã lựa cho mình chữ Dân - một thực thể vĩnh cửu. Vì, ngay cả trong những bước trầm luân, nghiệt ngã nhất, dân vẫn tồn tại, vẫn luôn vạn đại!
Ông Sáu Dân trong lần về thăm Vĩnh Long. Ảnh: Website Thành uỷ TP HCM
Ông Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của lịch sử hiện đại. Ông có tầm nhìn ngang tầm thời đại, thể hiện qua những kiến nghị, đề xuất đầy tầm vóc; khi nắm trọng trách thì trực tiếp chỉ đạo thực hiện được nhiều công trình để đời. Ông luôn lắng nghe, thể hiện rõ là người cầu thị; trọng dụng, quy tụ và đối đãi nhân tài một cách chí thành. Ông còn biết sửa sai khi mắc lỗi - một phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo.
Thân dân, gần dân, gắn bó với dân, với thực tiễn, ông luôn xem trách nhiệm có tính mục đích của người lãnh đạo là phải tìm cách giải quyết khó khăn, vướng mắc nảy sinh, không bị trói buộc vì những giáo điều. Chủ nghĩa yêu nước chân chính, yêu dân là phẩm chất nổi trội ở ông.
Ông Sáu Dân có sức thu hút, quy tụ, tập hợp trí tuệ, nhiệt tâm, ý chí từ mọi nguồn để phục vụ việc tìm hiểu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn, nhất là các vấn đề lớn, phức tạp, mâu thuẫn với "lý luận". Làm được việc này có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là ở cá nhân Võ Văn Kiệt - thực lòng tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, chắt lọc, hiểu biết sâu sắc về con người và những vấn đề liên quan. Ông có tấm lòng, đặc biệt là nhận biết, phát hiện, sử dụng người tài, kể cả người có chính kiến khác, để phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.
Ông Sáu Dân dường như chưa bao giờ dùng "lập trường giai cấp" dạy bảo ai hoặc rao giảng kinh điển, đạo đức. Ông hiểu sâu sắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chất đặc biệt của cách mạng Việt Nam, rằng "đã là người Việt Nam thì ít nhiều đều có lòng yêu nước". Từ đó, ông có đủ lòng tin vào nhiều người từng "ở phía bên kia", khơi dậy và phát huy mặt tích cực của họ. Ông hiểu rằng không thể đi theo đường cũ và luôn trăn trở tìm tòi chiến lược phát triển.
Gương mẫu và giản dị, dễ gần, ông Sáu Dân thực sự là người cộng sản theo đúng nghĩa mà chúng ta vẫn hiểu. Ông đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước. Nếu coi ông là một trong những học trò xuất sắc nhất của Cụ Hồ, tôi thấy rất xứng đáng.
Ông Sáu Dân là một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy nhạy bén. Ông còn là biểu tượng chói sáng của tinh thần hòa giải dân tộc sau chiến tranh.
Tình người đi đôi với nhận thức. Người ta còn quý mến ông Sáu Dân ở chỗ ông dám làm - miễn là làm đúng.
Vì thế mà có người nói trong một buổi học tập nghị quyết: "Tui thấy ông Kiệt ngon đó!", khiến cán bộ nhắc nhở: "Đừng nói lãnh đạo như vậy". Ý là phải theo chữ nghĩa như học tập nghị quyết, trong khi lẽ ra người cán bộ nghe câu đó cần nghĩ ngược lại: Người dân mà nói ra được câu ấy thì đúng là từ tấm lòng thực sự của họ. Thiết nghĩ cán bộ, công chức, viên chức ngày nay nếu làm được việc để cho dân khen mình "ngon" thì đó mới là thành tựu thực sự trong cuộc đời phục vụ nhân dân…
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Võ Văn Kiệt - Sáu Dân (23.11.1922-23.11-2022), xin có mấy vần thơ:
Một đời nhân nghĩa vẹn tròn
Trước sau một tấm lòng son chí tình
Nén đau thương của riêng mình
Vì dân, vì nước, công minh, chu toàn
Hiền nhân ở cõi nhân gian
Ông Sáu Dân - mãi chứa chan tình đời.