Lai Son 1.jpg
Cùng với đó, ngành du lịch đồng bằng cũng đã có nhiều động thái, nhằm sớm vận dụng chính sách hỗ trợ, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp kích cầu du lịch cho khu vực.
Hỗ trợ từ Chính phủ
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch khi được đưa vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm một nguồn lực, trợ giúp mới để quay lại thị trường. Đây là mong mỏi của tất cả các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành sau thời gian dài bị khủng hoảng trầm trọng.
Những chính sách hỗ trợ càng sớm đi vào thực tế, càng giúp doanh nghiệp nhẹ gánh phần nào những khó khăn chồng chất.
Được biết, nguồn quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được thông qua từ cuối năm ngoái, theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu.
Giải thích sự chậm trễ trong giải ngân nguồn quỹ hỗ trợ này, theo Tổng cục Du lịch, vì đây là mô hình rất mới nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về mặt con người, bộ máy và cơ chế.
Nguồn quỹ được cấp là 300 tỷ đồng, do ngân sách trung ương cấp trong 3 năm đầu sau khi thành lập, theo lộ trình mỗi năm 100 tỷ đồng.
Kinh phí hoạt động hàng năm do ngân sách trung ương cấp bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; bằng 5% tổng số thu nộp ngân sách hàng năm từ nguồn thu phí tham quan.
Các doanh nghiệp du lịch đồng bằng cho biết, rất trông chờ nguồn quỹ này, giúp thêm cơ hội nguồn khách quốc tế sớm quay lại Việt Nam; trước mắt là đẩy mạnh du lịch nội địa.
Ngoài việc hỗ trợ cho các hoạt động quảng bá, hội nghị, nguồn quỹ hỗ trợ cho công tác nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực…
Tạo động lực kích cầu du lịch đồng bằng
Du lịch biển, đảo ĐBSCL thu hút mạnh nguồn khách trong những năm gần đây.
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ phục hồi và kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch COVID-19, có 100 đơn vị ĐBSCL tham gia.
Hoạt động nhằm triển khai chiến dịch “Du lịch Việt Nam an toàn”, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch vùng ĐBSCL là điểm đến an toàn, công bố chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL, khôi phục các hoạt động du lịch nội địa, tiến tới khôi phục hoạt động du lịch quốc tế khi được phép.
Được biết, 4 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch toàn vùng ĐBSCL so với cùng kỳ 2019 giảm 41,6%, khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42% (nguồn khách chủ yếu tập trung vào tháng 1 và tháng 2 năm 2020).
Tại hội nghị kích cầu du lịch ĐBSCL, TS. Trần Hữu Hiệp- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp kích cầu du lịch đồng bằng; trong đó, điểm nhấn trọng tâm là chương trình kích cầu du lịch và tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch về điểm đến an toàn thu hút khách đến ĐBSCL.
100 doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, điểm du lịch cam kết tham gia Chương trình kích cầu du lịch sẽ bắt đầu từ tháng 6 đến cuối năm 2020. Nội dung: tập trung vận động và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng và tích cực tham gia chương trình; tăng cường liên kết địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động du lịch.
Trong đó, xác định các ưu tiên hợp tác, liên kết với TP Hồ Chí Minh, chọn các địa phương, trung tâm du lịch Cụm phía Đông và Cụm phía Tây (TP Cần Thơ, Kiên Giang- Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL.
Các đơn vị tham gia hội nghị đã cam kết với các lĩnh vực, gồm: 57 đơn vị lưu trú, 36 đơn vị dịch vụ ăn uống, 25 đơn vị dịch vụ tham quan, 22 doanh nghiệp du lịch giảm giá tour,... chính sách giảm giá từ 10- 50%.
Hy vọng, từ sự hỗ trợ của Trung ương, khu vực và các địa phương, cùng với sự quyết tâm vượt khó của các doanh nghiệp, du lịch đồng bằng sớm phục hồi và thu hút mạnh mẽ nguồn khách nội địa trước mắt và nguồn khách quốc tế khi được phép khai thác trở lại.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)