An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang nỗ lực phục hồi ngành du lịch

Thứ ba, 28 Tháng 7 2020 20:28 (GMT+7)
Các khu, điểm du lịch có chính sách miễn vé vào cổng, giảm giá dịch vụ trong một số thời điểm nhằm kích cầu du lịch; khuyến mãi cho du khách nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời, khuyến khích xây dựng các sản phẩm du lịch mới đưa vào phục vụ khách tham quan
 
An Giang
Để phục hồi ngành du lịch (DL) sau dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh An Giang và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ DL xây dựng các gói sản phẩm mới, tham gia các chương trình kích cầu DL do Bộ VHTTDL, Tổng cục DL và các hiệp hội nghề nghiệp tổ chức.
 
Theo đó, các khu, điểm DL có chính sách miễn vé vào cổng, giảm giá dịch vụ trong một số thời điểm nhằm kích cầu DL; khuyến mãi cho du khách nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ DL. Đồng thời, khuyến khích xây dựng các sản phẩm DL mới đưa vào phục vụ khách tham quan DL.
 
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, 6 tháng đầu năm 2020, có khoảng 4,1 triệu lượt khách đến các điểm tham quan, DL trên địa bàn tỉnh (giảm 41% so cùng kỳ). Trong đó, 140.000 lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn (giảm 65% so cùng kỳ); 200.000 lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ; khách quốc tế ước đạt 13.500 lượt (giảm 73% so cùng kỳ, đạt 40% kế hoạch). Doanh thu từ hoạt động DL đạt 2.500 tỷ đồng (giảm 37,5% so cùng kỳ, đạt 63% kế hoạch).
 
Kiên Giang
Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến tất cả các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển ngành du lịch từ nay đến cuối năm 2020 nhằm khắc phục sự suy giảm khách quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng khách nội địa; tận dụng cơ hội, tìm kiếm giải pháp đối phó khó khăn, thách thức từng bước phục hồi các hoạt động du lịch, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, kích cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa… tạo đà phục hồi nhanh và tăng trưởng du lịch bền vững trong những năm tiếp theo.
An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang nỗ lực phục hồi ngành du lịch - Ảnh 1.
Khách du lịch vui chơi giải trí tại bãi biển Dinh Cậu, Phú Quốc - Ảnh: Sở Du lịch Kiên Giang
Hiện nay, khách du lịch nội địa đến tỉnh Kiên Giang khá đông, điều đó cho thấy du lịch Kiên Giang đang có dấu hiệu phục hồi khá tốt, nhất là địa bàn huyện Phú Quốc và TP. Hà Tiên. Để du lịch Kiên Giang sớm phục hồi và phát triển trở lại, ông Lâm Minh Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các đơn vị: Sở Du lịch, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, Sở Giao thông Vận tải… tiếp tục công tác vận động, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch, quảng bá, xúc tiến đến các thị trường tiềm năng, thị trường du lịch mới… Lưu ý việc kích cầu du lịch bằng hình thức giảm giá nhưng chất lượng dịch vụ không được giảm, trong đó phải đảm bảo yếu tố an toàn, cạnh tranh lành mạnh, gắn với quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang.
 
Trước mắt các ngành liên quan tập trung đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, quảng bá điểm đến; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút du khách. Đối với các chương trình quảng bá xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch phải tiến hành sớm, cụ thể thời gian, nội dung trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, thực hiện…
 
Tiền Giang
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó, ngành Du lịch bị thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, lượng khách đến tham quan, du lịch chỉ khoảng 472 ngàn lượt người, giảm 53,3% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21,5% kế hoạch năm 2020. Để từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch, nhiều giải pháp kích cầu du lịch đã được cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp triển khai thực hiện.
 
Sau khi đại dịch được khống chế, Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã triển khai chương trình kích cầu du lịch. Riêng ở tỉnh, đơn vị đã tiến hành giảm giá cho thuê văn phòng, mặt bằng để các doanh nghiệp ổn định hoạt động, yên tâm thu hút khách.
 
Với lợi thế du lịch sông nước, miệt vườn, hàng năm, Tiền Giang đón một lượng lớn khách quốc tế đến tham quan, du lịch. Tuy nhiên, do yêu cầu phòng, chống dịch nên ngành Du lịch chưa thể đón khách quốc tế. Điều này, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Từ thực tế trên, kích cầu du lịch nội địa là một trong những giải pháp được các doanh nghiệp lựa chọn. Theo đó, nhiều công ty lữ hành đã đẩy mạnh chương trình quảng bá để thu hút người dân đi du lịch. Mặt khác, các doanh nghiệp còn giảm giá các tour, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng phục vụ để thu hút khách.
 
Thực tế cho thấy, để từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch, bên cạnh việc tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới là yêu cầu đặt ra hiện nay. Bởi vấn đề của du lịch Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung hiện nay là các sản phẩm na ná nhau. Du khách chỉ cần đi đến nơi này thì có thể hình dung được sản phẩm của nơi khác. Do đó, tạo ra sản phẩm mới, tạo sự khác biệt chính là "bài toán" đặt ra hiện nay đối với các công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch.
 
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh, hiện lượng khách du lịch trong nước đến tỉnh đã từng bước phục hồi, đạt khoảng hơn 30% so với trước khi xảy ra dịch bệnh, trong đó khách đi du lịch chủ yếu vào thứ 7, chủ nhật.
 
Ngành VHTTDL đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch dựa trên các yếu tố tác động. Giải pháp kích cầu du lịch là tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, hạn chế tối thiểu các doanh nghiệp phá sản. Đồng thời, tiếp tục mời gọi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án để tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL sẽ tăng cường công tác kích cầu du lịch. Trước đây, các doanh nghiệp ở tỉnh liên kết với các công ty lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh để khai thác thị trường khách du lịch quốc tế. Qua đợt dịch bệnh này, các doanh nghiệp đã ngồi lại cùng bàn bạc để "đánh" vào mảng du lịch nội địa.
 
Trên cơ sở đó, ngành VHTTDL sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp để tăng cường khai thác du lịch nội địa. Trong điều kiện chưa mở cửa đón khách quốc tế, các khu, điểm du lịch chỉ hoạt động đạt 50% công suất. Do đó, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp công tác đào tạo, bởi trước đây khi các doanh nghiệp hoạt động hết công suất thì khó cử lực lượng tham gia đào tạo. Thời điểm này là cơ hội để tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng điểm đến
 
Trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều công ty lữ hành, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đã nỗ lực để khôi phục hoạt động. Bên cạnh công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút khách, việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới hiện đang là vấn đề mà các công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch cần làm ngay, trước mắt là để phục vụ du khách trong nước, xa hơn là phục vụ khách quốc tế khi nước ta mở cửa đón khách trở lại...
 
Thủy Bích (t/h) Link - (toquoc.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch