Trải nghiệm workshop tại Bao Gia Farm Camping. Ảnh: Bao Gia Farm Camping
Ðại dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc thanh lọc nghiêm khắc với ngành Du lịch, mang đến nhiều thách thức, đòi hỏi những người làm du lịch không ngừng thích ứng và đổi mới sáng tạo. Ðiều này đang được các đơn vị hoạt động du lịch tại Cần Thơ làm tốt.
Ðiển hình là mô hình du lịch cộng đồng tại cồn Sơn. Trải qua 2 làn sóng COVID-19, bà con cồn Sơn đã kịp thời ứng phó để bảo vệ cộng đồng an toàn và trong thời gian đó đã cùng nhau tạo ra những sản phẩm mới. Ðể rồi sau khi dịch bệnh được kiềm chế, du lịch cồn Sơn tiếp tục phát triển. Sau làn sóng thứ nhất, khi trở lại vào tháng 5-2020, cồn Sơn đã giới thiệu loạt dịch vụ, sản phẩm mới với trải nghiệm “Cồn Sơn ngày mới”. Du khách khắp nơi đổ về cồn Sơn xem cá ăn cơm bằng muỗng, trải nghiệm massage cá có vẩy, làm cốm nổ… Ðến sau làn sóng thứ hai, vào tháng 9 có thêm sản phẩm được du khách yêu thích: cá lóc bú bình.
Bà Lê Thị Bé Bảy, Tư vấn của cộng đồng du lịch cồn Sơn, chia sẻ: “Chúng tôi biến thách thức thành cơ hội. Thời gian không đón khách, bà con sẽ hoàn thiện những sản phẩm cũ, xây dựng sản phẩm mới. Mọi người cũng trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng: học tiếng Anh, tập huấn về làm du lịch, sơ cấp cứu… hay tham gia các hoạt động cộng đồng. Người cồn Sơn dùng tấm lòng và sự cầu tiến để giữ chân du khách”. Du lịch cồn Sơn hướng đến sự bền vững, trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Người dân làm du lịch từ mảnh vườn, con cá, bờ ao... đồng thời không ngừng học cách nâng giá trị sản phẩm. Ví dụ như anh Hồ Công Minh tận dụng vườn nhà làm mật ong nhãn, kết hợp nghề cốm nổ của ông ngoại, thêm sự chỉ dạy của mẹ vốn nổi tiếng với thương hiệu bánh dân gian Bảy Muôn, đã tạo ra món cốm nổ đặc trưng cho cồn Sơn. Nhà vườn Công Minh vì thế có thêm dịch vụ trải nghiệm làm cốm nổ được du khách yêu thích.
Sáng tạo để thích ứng và phát triển là điều dễ thấy ở nhiều doanh nghiệp làm du lịch tại Cần Thơ. Anh Nguyễn Văn Phong, chủ Canthofarm, chia sẻ: “Khi bắt đầu làm nông trại, tôi xác định phải làm cái gì đó khác, không cạnh tranh với nông dân mình. Tôi hướng đến sự trải nghiệm, giáo dục các hoạt động nông nghiệp nhiều hơn”. Nhờ vậy, Canthofarm không chỉ có rau thủy canh mà còn có nhiều loại cây trồng, dịch vụ mới độc đáo, thu hút du khách. Thời gian bị tác động vì dịch COVID-19, anh Phong làm mới chuỗi dịch vụ, xây dựng thêm các hoạt động. Hiện Canthofarm đang gầy dựng vườn nho, bên cạnh đã hình thành phiên chợ bánh dân gian, workshop (khóa học chủ đề về làm sản phẩm thủ công, truyền thống…) vào mỗi cuối tuần. Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương, phụ trách khai thác hoạt động nông nghiệp tại Bao Gia Farm Camping, cho biết thêm: “Khi hướng đến các hoạt động bền vững trong du lịch, chúng tôi không ngại những thách thức hay khó khăn, vì có thể chuyển đổi linh hoạt. Trong thời gian tạm ngưng vì COVID-19, chúng tôi vẫn sản xuất nông sản và tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, xây dựng sản phẩm mới. Chúng tôi không chỉ xây dựng không gian riêng cho workshop mà còn tạo ra những sản phẩm mới như trải nghiệm chữa trị sức khỏe tinh thần, làm mới bản thân bằng các khóa học kỹ năng”.
Nhiều đơn vị hoạt động du lịch tại Cần Thơ chuyển đổi linh hoạt, sáng tạo nhiều sản phẩm mới. Cụ thể như sản phẩm khai thác từ du thuyền của Victoria. Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Victoria Cần Thơ, chia sẻ: “Chúng tôi đưa du thuyền Victoria Mekong vốn phục vụ tuyến đường sông quốc tế Cần Thơ - Phnom Penh sang tuyến đường sông nội địa Cần Thơ - An Giang”. Sản phẩm có tên Mekong Wellness Cruise, là hành trình khám phá miền Tây mùa nước nổi, kết hợp trải nghiệm các lớp Yoga, thiền ngoài trời, workshop… nhằm thanh lọc cơ thể, chăm sóc tinh thần.
Các doanh nghiệp, nhà vườn du lịch tại Cần Thơ luôn chủ động đổi mới dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới. Sự linh hoạt trong xây dựng sản phẩm phù hợp với Ðề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” của UBND TP Cần Thơ. Theo đó, ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng cường trải nghiệm cho du khách. Ðề án nhấn mạnh phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên, văn hóa: du lịch văn hóa (gắn với sự phát triển và trải nghiệm các loại hình văn hóa, trình diễn nghệ thuật, tinh hoa ẩm thực), du lịch sinh thái (nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan sông nước, du lịch nông nghiệp); du lịch đô thị (đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, du lịch mua sắm, du lịch MICE). Song song đó, phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng và điều kiện như: các sản phẩm du lịch chuyên đề (du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thể thao, giải trí); hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, đồng thời với hệ thống cửa hàng lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống; trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, phong tục và tri thức bản địa, tìm hiểu ẩm thực địa phương, có sự tham gia tích cực, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Ðồng thời đẩy mạnh sự kết nối và nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch; tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm môi trường an toàn, sạch sẽ, văn minh, thân thiện.
Thực tế, các đơn vị làm du lịch tại Cần Thơ đang có những hướng đi gần với những định hướng trong đề án trên, tạo đà cho du lịch Cần Thơ nhanh chóng hồi phục và phát triển đúng định hướng. Nỗ lực này cần trợ lực từ chính quyền địa phương, với các chính sách và chương trình kích cầu du lịch phù hợp.
ÁI LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)