Sinh ra và lớn lên bên con rạch mang tên Ông Đề trĩu nặng phù sa của quê hương Phong Điền, doanh nhân Lê Hải Phúc- Chủ tịch HĐQT Khu du lịch sinh thái Ông Đề luôn trăn trở với câu hỏi “Ông Đề là ai và tại sao người ta lại lấy tên ông đặt cho con rạch này?”. Như đứa con tìm về nguồn cội, ông Lê Hải Phúc lấy tên con rạch đặt tên cho khu du lịch của mình và ra sức phát triển nó như một cách tri ân tiền nhân.
Du khách thích thú trải nghiệm trò chơi dân gian tại Khu du lịch Ông Đề
Lần ngược lịch sử, trong một cuốn địa phương chí do người Pháp ấn hành năm 1904, đã thấy xuất hiện cái tên Ông Đề bên cạnh địa danh thuộc huyện Phong Điền. Khi ấy Phong Điền chỉ là tên một ngôi chợ thuộc làng Nhơn Ái, tổng Định Bảo.
Theo các cụ cao niên và một số nhà biên khảo, thuở khai hoang lập ấp, trong dòng lưu dân trôi dạt từ miền Trung vào có đôi vợ chồng trẻ của anh lực điền tên Lê Đề, giỏi giắn, siêng năng. Vùng đất này khi ấy còn rất hoang vu, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tợ bánh canh”. Đêm còn nghe tiếng cọp gầm, ngày cá sấu trườn lên bãi bồi tắm nắng. Muốn tồn tại trong một bối cảnh tự nhiên như vậy đòi hỏi con người ngoài ngoài sự siêng năng, cần cù còn phải có trí thông minh, sáng tạo.
Du khách ấn tượng với không gian nên thơ, ẩm thực mang đậm chất Nam bộ tại Khu du lịch Ông Đề
Đôi vợ chồng trẻ Lê Đề ban ngày cật lực cày cuốc, khai hoang. Đêm xuống họ còn đốt đuốc trần lưng đắp đập, be bờ giữ nước, giữ phù sa cho ruộng đồng. Đất không phụ công người, một thời gian sau họ tạo dựng được một cơ ngơi vững chắc: trong nhà lúa đầy bồ, ngoài vườn cây trái lúc lỉu, gà vịt chạy tung tăng… “Đất lành chim đậu”, cư dân tứ xứ lục tục kéo về đây sinh sống và họ đều nhận được sự giúp đỡ chí tình của ông bà Đề. Thậm chí vợ chồng còn đứng ra dựng vợ gả chồng, cho họ vay vốn làm ăn. Nhớ ơn người đi trước, hậu thế lấy tên ông Đề đặt cho con rạch trước nhà như một cách tri ân.
Ông Lê Hải Phúc chia sẻ: Là một doanh nghiệp địa phương, ngoài yếu tố lợi nhuận thì việc quảng bá hình ảnh địa phương, tái hiện không gian văn hóa Nam Bộ xưa luôn được Khu du lịch Ông Đề xem trọng bởi sự phát triển bền vững của doanh nghiệp du lịch không thể tách rời cái phông nền văn hóa đặc thù địa phương. Chính vì vậy, Khu du lịch Ông Đề kinh doanh theo phương châm luôn tôn trọng, phát huy các giá trị truyền thống để tạo dấu ấn thương hiệu.
Mặc dù mới được xây dựng và đưa vào khai thác từ đầu năm 2018 nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Khu du lịch sinh thái Ông Đề đã tổ chức được nhiều kỳ lễ hội mang tính tôn vinh các đặc sắc văn hóa địa phương như: Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Ngày hội “Các món ăn ngon- độc- lạ…và lồng ghép trong các hoạt động thường nhật của mình các hình ảnh, không gian sinh tồn bản địa thuần chất miệt vườn: mái nhà lá bên rặng dừa xanh soi bóng xuống bờ kinh yên ả; nhân viên nam nữ phục vụ đều mặc áo bà ba, quấn khăn rằn gợi nhớ thời cha ông đi mở cõi; các món ăn thời khẩn hoang…
Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Ông Đề còn tổ chức long trọng Lễ giỗ Ông Đề vào ngày 20/02 âm lịch hàng năm. Tại lễ giỗ ngoài các nghi thức trang trọng như: dâng hương, dâng vật phẩm…cho ông bà Đề, các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai phá một vùng quê trù phú. Khách đến tham quan còn được xem các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống: cải lương, hát tuồng, hát bội, hồ quảng…và nghe các cụ cao niên ôn lại những câu chuyện mở cõi đất phương Nam.
Ông Võ Thanh Giúp - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại- Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Điền thành phố Cần Thơ cho biết: “Khu du lịch sinh thái Ông Đề là một trong những doanh nghiệp lồng ghép tốt yếu tố văn hóa bản địa vào công việc kinh doanh của mình. Điều này ngoài việc định hình thương hiệu riêng còn góp phần rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh đất và người miệt vườn Phong Điền đến du khách trong và ngoài nước".
Thuỵ Vũ - (giadinhvietnam.com)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)