Ông Huỳnh Văn Đẳng chia sẻ về ý tưởng phát triển du lịch sinh thái
2 năm nay, mô hình nuôi ao kết hợp vườn cây ăn trái của ông Đẳng luôn thu hút nhiều nông dân trong và ngoài xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Bởi, ông Đẳng lựa chọn cho mình là hướng đi sản xuất tự nhiên. Ông luôn mong muốn, bản thân sẽ tạo nên hệ sinh thái tự nhiên, các sản phẩm làm ra phải đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Đẳng cho biết: “Trước đây, tôi cũng giống như bao nông dân khác miệt mài với đồng ruộng. Mặc dù đã áp dụng nhiều kỹ thuật vào sản xuất nhưng do đây là vùng đất không mấy màu mỡ nên năng suất lúa mỗi năm đều không đạt như kỳ vọng. Qua thông tin trên báo, đài, mạng Internet và có dịp đi tham quan thực tế một số mô hình sản xuất nông nghiệp ở các địa phương khác đã giúp tôi có thêm tự tin, từ đó tôi quyết tâm chuyển đổi 40 công đất ruộng của mình trở thành vườn cây ăn trái, xen kẽ diện tích ao hồ để nuôi con này, con kia, nhằm lấy ngắn nuôi dài, nhất là đối với cây trồng phải qua thời gian dài mới thu hoạch được”.
Ông Đẳng dẫn chúng tôi tham quan vườn cây trái với niềm vui và vẻ tự hào. Đó là nhiều hàng liếp rộng và chạy dài thẳng tắp, trên đó, ông trồng nhiều loại cây xoài, xen kẽ là các loại cây khác như: chanh, bưởi, cà na, mãng cầu. Có liếp thì ông trồng dừa, mít. Dưới mặt nước, ông thả nuôi nhiều loại cá như: cá tra, tai tượng, cá hú, cá éc, thác lác cườm… Một ít khoảng đất trống ông Đảng cho thả gà vườn, vịt trời, chim trích, có chỗ thì ông nuôi ba ba, lươn, ếch, ốc bươu xanh. Để mọi sinh vật sống hài hòa với nhau, ông Đẳng quyết tâm không dùng phân bón, thuốc trừ sâu rầy bằng hóa học.
Theo ông Đẳng, nếu sử dụng phân, thuốc hóa học về lâu dài cây, đất và nguồn nước đều nhiễm độc, những sinh vật nuôi trong ao hồ cũng bị nhiễm độc, nguồn thực phẩm chúng ta ăn vào, không khí chúng ta hít thở cũng đầy độc tố. Do vậy, ông Đẳng luôn tự tìm kiếm hoặc chế biến một số ít phân bón hữu cơ bổ sung cho cây trồng, giúp cây trồng phát triển tốt nhưng không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Những bến nước, tum lá dân dã sẽ là tiểu cảnh thư giãn
Từ chỗ là những sản phẩm “cây nhà lá vườn”, dùng các món ăn dân dã, tự nhiên chiêu đãi bạn bè, khách quý phương xa khi đến vườn cây của ông, ai cũng thích thú, ông Đẳng dần “nhen nhóm” ý nghĩ là phát triển vườn cây của mình để hình thành mô hình DL sinh thái, phục vụ rộng rãi du khách.
Ông Đẳng chia sẻ: “Nhận thấy vùng đất Thoại Sơn nhiều tiềm năng để phát triển DL, nhất là trên trục đường từ huyện Tri Tôn đến Thoại Sơn thiếu điểm dừng chân cho du khách nên tôi nảy sinh ý định sẽ xây dựng điểm tham quan DL sinh thái. Du khách có thể dừng chân tại đây, thưởng thức các món ăn mang hương vị đồng nội, dân dã, nếu thích có thể nghỉ đêm theo mô hình homestay tại trang trại này. Sáng ra có thể tham quan, tìm hiểu cách chăm sóc cây trồng, nuôi vật, hòa mình vào không khí thiên nhiên miền quê mà không cần lo sợ hít hay ăn phải những món ăn nhiễm hóa chất”.
Theo ông Đẳng, hiện nay ông chỉ mới thực hiện đạt 50% mục tiêu, bởi chỉ mới hình thành khu vườn, còn những hạng mục như: phòng ngủ, lối đi, tiểu cảnh, cách trang trí đúng chất DL trải nghiệm cần phải có thêm thời gian, ít nhất là phải 2 năm nữa.
Năm 2018, ý tưởng phát triển vườn sinh thái kết hợp DL của ông Đẳng được Hội Nông dân xã Vọng Đông, Hội Nông dân huyện Thoại Sơn đánh giá phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Từ đó, ông được khuyến khích để phát triển mô hình, hỗ trợ vốn đầu tư thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời, hệ thống phun tưới tự động, nhờ vậy với mảnh vườn 4ha mà ông không cần tốn nhiều nhân công chăm sóc.
Hiện tại, ông Đẳng đang tập trung nguồn lực và ý tưởng để dần hoàn thành mô hình DL, đồng thời tích cực học tập những mô hình mới, hay nhằm tạo nên những sản phẩm DL độc đáo như: những món ăn đặc trưng, góc thư giãn, chụp ảnh đẹp để thu hút khách DL gần xa đến và trải nghiệm.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)