Thung lũng Bắc Sơn mùa lúa chín
Khác với Bắc Sơn những năm đầu cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp, cả vùng chìm trong máu lửa, ở đây, núi non vẫn hùng vĩ nhưng cuộc sống thì thực sự đã thay đổi. Khi chúng tôi dừng chân tại khu Bảo tàng Bắc Sơn, những tia nắng còn treo trên đỉnh núi. Sương bay mù mịt trong hương hoa thơm ngát cả vùng quê.
Điệu Then tình yêu
Một không khí bất ngờ gợi cảm cho mọi người khi đài phát thanh huyện ngân vang bài ca Bắc Sơn của Văn Cao như một nhạc hiệu chào đón du khách. Người hướng dẫn viên nói với chúng tôi, bài hát Bắc Sơn đã trở thành bản “Huyện ca” đầy hùng tráng. Không quên, mãi mãi chúng ta sẽ không quên, Bắc Sơn ngày ấy một thời đỏ lửa. Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 2,5km. Kiến trúc bảo tàng mô phỏng theo nhà sàn người Tày truyền thống. Tổng thể được bố trí khoa học để du khách có được nhận thức toàn diện nhất về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Không gian trong bảo tàng được chia thành ba phần trưng bày rõ rệt: “Bắc Sơn thời Tiền sử”, “Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn” và “Bắc Sơn phát huy truyền thống cách mạng”.
Bắc Sơn bồng bềnh trong mây
Các hiện vật khảo cổ như rìu đá, trang sức, đồgốm, thẻ đinh, xích sắt,… giúp du khách hình dung về cuộc sống đồng bào Bắc Sơn trong từng thời kỳ. Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn là một trong những điểm tham quan không thể thiếu khi đến vùng này và còn là nguồn tư liệu quý cho lớp trẻ và những người yêu thích lịch sử. Không còn Bắc Sơn một thuở “không bóng người dưới thôn” nữa mà giờ đây “sắc chàm pha màu gió” đang tỏa lan sắc màu trên khắp thung lũng sương phủ mơ màng. Ở làng văn hóa cộng đồng Quỳnh Sơn, hai bên đường thắm đỏ những bông hoa rừng bừng lên trong ánh nắng xuân lan tỏa. Trên vách núi cheo leo phía trước bản, tiếng chim lảnh lót trên những cành đào rừng. Con đường vào bản rộn ràng tiếng đàn Tính từ nhà văn hóa. Thôn bản Quỳnh Sơn nổi tiếng với những ngôi nhà sàn cổ của người Tày. Dường như nơi đây không có gì đổi mới về xây dựng mà giữ nguyên dáng dấp của rừng núi cổ hàng trăm năm qua.
Cùng với những ngôi nhà mái ngói âm dương rêu phong dân thôn Quỳnh Sơn rất chú trọng đến sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Họ thành lập những câu lạc bộ hát Then và chơi đàn Tính. Ngay tại những ngôi nhà làm dịch vụ homestay (du lịch cộng đồng) cũng luôn mời những tốp đàn Tính, hát Then đến phục vụ du khách. Họ coi đó mới là đặc sản tinh thần đậm chất dân gian Bắc Sơn. Trò chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Băng, chủ nhà thôn Quỳnh Sơn tâm sự, từ xưa người Tày đã chơi đàn Tính để chữa bệnh cứu người. Theo bà, những lời hát Then với đàn Tính chính là những âm thanh của trời đất ban cho. Những cung điệu bí ẩn nhập vào hồn người mà cất tiếng. Then nghĩa là Thiên (Trời).
Những làn điệu Then là khúc hát của trời xua đuổi ma quỷ bệnh tật. Chính vì lẽ đó hát Then còn mang âm sắc tâm linh mỗi khi vào lễ hội. Sau đó hát Then được mở rộng trong sinh hoạt đời sống và sản xuất. Người Tày và Nùng truyền lại rằng: “Nghe Then, nghe Tính tâm nở hoa”. Hay còn đó lời răn: “Người sầu thì lấy Tính giải sầu”. Đó là những âm thanh hóa giải mọi muộn phiền và đem lại niềm vui nở hoa. Đúng lúc này dàn đàn Tính bừng lên những nốt nhạc chào đón du khách. Xen vào giữa câu chuyện của chúng tôi là tiếng đàn Tính thẫn thờ cùng lời Then cất lên từ một nẻo đường nhỏ bên Nhà văn hóa: “Chết thì chết em cũng không buông anh về. Buông anh như buông muối xuống biển. Buông trăng còn tháng gặp một lần. Buông anh thì anh đi mãi mãi”. Lời yêu da diết ấy cứ văng vẳng, lẫn trong tiếng suốt róc rách chảy về xa. Lúc này tôi mới thấm câu nói của bà Dương Thị Băng khi bày tỏ với mọi người rằng: “Già qua đường nghe tiếng lượn Then, về nhà như biến thành trai trẻ”.
Làng văn hoá du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn
Ngắm Bắc Sơn từ đỉnh Nà Lay đầy mê hoặc
Đỉnh núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển là một địa điểm mà hầu như tất cả khách du lịch Bắc Sơn đều đặt chân đến. Đơn giản vì đây là điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao, nhất là khi đón bình minh hay chìm đắm trong ánh hoàng hôn đầy mê hoặc. Đường lên đỉnh núi này không cao nhưng rất khó. 1.200 bậc thang đá cheo leo, ai quen leo núi sẽ mất chừng 30- 45 phút, người không quen có thể loay hoay mất hàng giờ, cũng có khi hơn. Những gì nhìn thấy từ đỉnh Nà Lay sẽ xóa đi mọi vất vả, mệt mỏi trước đó. Săn ảnh từ trạm vi-ba Nà Lay là một cái thú mà có những tay máy, cả chuyên và không chuyên có thể vượt hàng nghìn cây số đến đây chỉ để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thung lũng Bắc Sơn.
Từ tháng 9 hằng năm, thung lũng Bắc Sơn rực rỡ sắc vàng - xanh mùa lúa chín. Đó cũng là thời gian mà những người yêu du lịch, mê xê dịch, yêu nhiếp ảnh… hò hẹn nhau, trở về đây nhìn ngắm đất trời, nghe lòng mình lắng lại. Đến Bắc Sơn, không chỉ được tìm hiểu về văn hóa bản địa, ngắm cảnh hùng vĩ của núi vùng Đông Bắc, du khách còn có cơ hội tìm thăm đình Nông Lục, di tích Khuổi Nọi, Đồn Mỏ Nhài, An toàn khu Lạng Sơn... những địa danh hào hùng đã đi vào lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở vùng đất cách mạng này. Hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trong vùng còn có đình Quỳnh Sơn, cầu Rá Riềng, cây đa cổ thụ kỳ lạ, giếng Tiên, làng nghề làm ngói thủ công, cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh, kiến trúc bản làng tập trung nhiều nhà sàn truyền thống Quỳnh Sơn hay rừng gỗ nghiến, hồ Tam Hoa, vườn quýt Hang Hú… Trong thung lũng Bắc Sơn một ngày có bốn mùa. Càng đi, du khách sẽ càng bị hút vào những điểm đến kỳ bí, đẹp đến ngỡ ngàng và càng yêu Bắc Sơn hơn.
CHUNG TỬ; ảnh: THUẬN BÙI - (baovanhoa.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)