Về Ngã Năm đón bình minh chợ nổi

Thứ bảy, 10 Tháng 4 2021 07:48 (GMT+7)
Nằm ở phía tây nam của tỉnh Sóc Trăng, thị xã Ngã Năm, cửa ngõ thủy, bộ đi vào hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, đồng thời là giao điểm của năm nhánh sông, đang dần trở thành một điểm đến mới thu hút khách du lịch. Người dân miền Tây Nam Bộ mến khách luôn dặn dò, đến đây đừng quên mua mắm cá lóc, mắm cá rô với hương vị dân dã trứ danh: "Mắm chưng hột vịt thịt bằm/Thương sao hương vị Ngã Năm quê mình".
Chợ nổi Ngã Năm là điểm đến hấp dẫn thu hút khách tham quan, mua bán.
 
Thị xã Ngã Năm cách TP Sóc Trăng 60 km, cách TP Cần Thơ 80 km theo quốc lộ 1A, phía đông giáp huyện Mỹ Tú và huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng); phía bắc giáp thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang); phía tây giáp huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu); phía nam giáp huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu). Trong khi ngành du lịch dịch vụ mang lại nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội cho các địa phương lân cận thì Ngã Năm có phần lặng lẽ hơn. Cảnh quan thiên nhiên ở Ngã Năm chưa thật sự nổi bật so với nhiều địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn có lợi thế nhờ thiên nhiên thuần chất, chưa bị tác động bởi các hoạt động thương mại, công nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương còn sở hữu tài nguyên văn hóa rất đa dạng của ba dân tộc: Kinh, Hoa và Khmer Nam Bộ, với các công trình kiến trúc: chùa, nhà thờ, miếu, di tích lịch sử... tạo thành các cụm tham quan, du lịch tiềm năng. Ngoài ra, thị xã Ngã Năm sở hữu mạng lưới giao thông thủy, bộ tiện lợi có thể kết nối các vùng dân cư nông thôn với khu vực trung tâm, cũng như với các tỉnh khác. Ðáng chú ý, đây là cửa ngõ để du khách kết nối tuyến tham quan đến các tỉnh miền tây: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang.
 
Với điều kiện tự nhiên, thuận lợi, những năm gần đây, thị xã Ngã Năm đã có những thay đổi đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội. Mảng kinh tế dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế cũng đang có chuyển biến tích cực. Tổ chức Bánh mì thế giới và tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam, Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng tại Ngã Năm, nhằm xác định các cơ hội xây dựng mô hình kinh doanh mới giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan môi trường và từng bước thích ứng, hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia dự án, Ngã Năm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Ðầu tiên, chợ nổi Ngã Năm chính là địa điểm du lịch tiềm năng nhất. Chợ đã có từ khá lâu đời, nằm ở vị trí giao nhau của năm con sông: hướng bắc về Phụng Hiệp, hướng đông ra Thạnh Trị, hướng nam về Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), phướng tây qua thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), còn lại nhánh nhỏ về xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm. Chợ bắt đầu họp vào khoảng 3 giờ sáng và nhộn nhịp nhất vào lúc 5 giờ đến 6 giờ sáng, khoảng 8 giờ thưa dần và hết buổi sáng thì kết thúc. Toàn cảnh khu chợ như một bức tranh sống động, đa thanh sắc từ các loại rau củ, hoa quả cho tới hình ảnh những tà áo bà ba mộc mạc dịu dàng giữa miền sông nước. Tiếng mái chèo khua nước, tiếng mời gọi mua hàng trên những chiếc ghe xuồng, vỏ lãi, xuồng năm lá, ba lá xuôi ngược… tạo nên quang cảnh thật vui tươi. Giúp cho việc truyền tin dễ dàng giữa bên bán và mua, cây "bẹo" chính là phương tiện hữu hiệu của loại hình chợ nổi. Cây "bẹo" làm từ loại tre già, cao khoảng 5 m, góc vát nhọn để cắm và kìm ghe khi đậu, ngọn thì đục lỗ để xiên dây qua, treo hàng hóa. Từ xa, nhìn vào những cây "bẹo" là khách có thể biết tìm loại hàng cần mua. Hiện nay, do hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện, một số thương lái đã chuyển sang hình thức nhóm chợ trên bờ. Dù vậy, chợ nổi vẫn hoạt động khá nhộn nhịp, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây Nam Bộ, là điểm du lịch Sóc Trăng không thể bỏ qua.
 
Cách trung tâm thị xã khoảng 5 km là vườn cò Tân Long ở ấp Tân Bình, xã Long Bình. Vườn cò thuộc sở hữu của gia đình ông Huỳnh Văn Mười được hình thành cách đây hàng chục năm, diện tích khoảng 1,5 ha với hàng nghìn con cò tập trung về mỗi buổi chiều. Ðây cũng là địa phương có sáu di tích được xếp hạng, trong đó hai di tích được xếp hạng quốc gia là Miếu Bà Mỹ Ðông (xã Vĩnh Quới) và địa điểm Chiến thắng Chi khu Ngã Năm (phường 1); bốn di tích được xếp hạng cấp tỉnh: Thánh Thất Minh Tiên (ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới); Khu căn cứ Huyện ủy Thạnh Trị - Ngã Năm (xã Mỹ Quới); chùa Ô Chum (xã Vĩnh Quới) và pháo đài Chiến thắng Chi khu Ngã Năm (phường 1). Chùa Ô Chum là di tích đặc trưng của người Khmer Nam Bộ, có khuôn viên rộng và vị trí cũng rất thuận lợi khi tiếp cận bằng cả đường sông và đường bộ. Hiện nay, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, phong trào xã hội hóa và sự tận tâm của sư trụ trì, nhiều hạng mục công trình, không gian của chùa được xây dựng, tu sửa khang trang. Chùa còn là nơi bảo quản, lưu giữ hai chiếc ghe ngo, phương tiện biểu trưng đại diện cho thị xã Ngã Năm tranh tài trong lễ hội đua ghe nổi tiếng tại Sóc Trăng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
 
Ðến với Ngã Năm, khách du lịch có thể tham quan trải nghiệm vùng nguyên liệu và quy trình sản xuất trà mãng cầu, tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm đan lục bình, đạp xe dọc các con kênh xuyên qua các ấp tại xã Vĩnh Quới, Mỹ Quới và dọc theo Quản lộ Phụng Hiệp, đờn ca tài tử… Những năm gần đây, du khách trong nước và nước ngoài rất thích cùng người dân tham gia các hoạt động trải nghiệm như thu hái trái cây, đánh bắt cá, tát đìa, làm vườn, làm bánh bò, bánh bột đậu, bánh chuối… Về cơ sở lưu trú, trên địa bàn hiện có một khách sạn đạt tiêu chuẩn hai sao với số lượng 30 phòng; 14 cơ sở lưu trú với 157 phòng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Một bến tàu du lịch đang được đầu tư chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng, một công ty du lịch tư nhân đang hoạt động.
 
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành du lịch Sóc Trăng, bên cạnh lợi thế, thị xã Ngã Năm đang phải đối diện nhiều khó khăn khi triển khai du lịch cộng đồng. Ngoài khó khăn cơ bản là đội ngũ quản lý du lịch còn thiếu kinh nghiệm thì nhận thức về du lịch của cộng đồng của người dân gần như chưa có. Ðây là nguyên nhân dẫn đến phát triển du lịch một cách tự phát, đầu tư không tới hoặc lãng phí, chất lượng không đáp ứng được nhu cầu của du khách nếu không được kiểm soát, hướng dẫn tốt.
 
Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường tại địa phương vẫn chưa được chú trọng, người dân còn xả rác bừa bãi tại khu vực chợ nổi, các điểm tham quan, vườn cò. Tại các di tích lịch sử văn hóa chưa có nhiều hướng dẫn viên am hiểu về văn hóa, lịch sử hướng dẫn cho du khách. Các hộ làm nghề thủ công hoạt động chưa thường xuyên, phân bố không đều, cần có cơ chế và tập huấn cho người dân cách đón tiếp, hướng dẫn du khách tham gia trải nghiệm. Ngoài ra, cần đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng hệ thống tàu thuyền vận chuyển khách, tập huấn kỹ năng bảo đảm an toàn cho du khách, có cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển khách du lịch như tàu trên sông, xe ô-tô điện, xe kéo…
 
Du lịch cộng đồng là loại hình không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn, tuy nhiên đối với một địa phương còn khó khăn như Ngã Năm, việc tận dụng và tranh thủ nguồn vốn là hết sức cần thiết. Các nguồn vốn có thể đến từ cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, nhà đầu tư, các công ty du lịch và nguồn xã hội hóa trong dân. Tuy nhiên, như các chuyên gia phát triển dự án nhận định, yếu tố quan trọng nhất vẫn là người dân. Ngoài nghiệp vụ du lịch cần thiết như: vệ sinh môi trường cảnh quan, nhà cửa, đón tiếp khách, nấu ăn, hướng dẫn tham quan… cần phát huy lợi thế văn hóa, khôi phục các điệu múa, hát, nhạc truyền thống trong cộng đồng dân cư, hình thành các nhóm nòng cốt trong cộng đồng, tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích các gia đình có thành viên tham gia học tập, đào tạo quản lý du lịch, tích cực quảng bá du lịch theo xu hướng mới, phù hợp bối cảnh công nghệ đang phát triển mạnh mẽ.
 
Bài và ảnh: MINH ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Du Lịch