Ca sĩ Đông Nhi sẽ đại diện Việt Nam biểu diễn tại Đại nhạc hội ASEAN - Nhật Bản lần 2, được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm Nhật Bản và các nước ASEAN thiết lập quan hệ ngoại giao. Chương trình diễn ra vào ngày 4-10 tại Tokyo - Nhật Bản với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Ryuji Imaichi, Ryotaro Sugi, nhóm Nogizaka46 (Nhật Bản), Sarah Hieronimo (Philippines)...
Những cuộc ra quân hoành tráng
Để chuẩn bị cho sự kiện này, Đông Nhi đang ráo riết tập luyện với những bản nhạc hit (ăn khách) mang phong cách dance pop sở trường. Cũng như những lần "đem chuông đi đánh xứ người" trước đây, Đông Nhi và ê-kíp của mình luôn chuẩn bị chu đáo với mong muốn giành được cái nhìn thiện cảm của bạn bè quốc tế qua tiết mục biểu diễn của cô nói riêng và âm nhạc Việt nói chung. Nhóm nhảy 10 người cùng ê-kíp hùng hậu của Đông Nhi đến Nhật lần này cho thấy quyết tâm của cô.
Những cuộc "mang chuông đi đánh xứ người" của ca sĩ Việt bao giờ cũng trong tâm thế "cho thế giới biết mình là ai". Trước đó, trong chương trình biểu diễn tại sự kiện Hong Kong Asian-Pop Music Festival 2018, Noo Phước Thịnh đã để lại những dấu ấn đặc biệt với khán giả. Ban tổ chức sự kiện sau đó đã kết nối với Noo Phước Thịnh để tạo cơ hội cho hai bên hợp tác trong tương lai.
Ca sĩ Noo Phước Thịnh biểu diễn tại Liên hoan Ca khúc châu Á ở Hàn Quốc năm 2017. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP hay Vũ Cát Tường… khi xuất hiện trên sân khấu âm nhạc tầm châu Á tại Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản hay Thái Lan... cũng khiến ban tổ chức và khán giả ngỡ ngàng bởi các tiết mục biểu diễn hoành tráng của họ. Thậm chí, tại Liên hoan Ca khúc châu Á tổ chức tại Hàn Quốc năm 2017, Noo Phước Thịnh tỏ ra "giàu có" nhất, trong khi các ca sĩ khác xuất hiện khá đơn điệu, chỉ trình diễn một mình trên sân khấu rộng lớn.
Thế nhưng, điều đáng nói là âm nhạc mà họ đem tới những sự kiện này gần như không có gì đặc biệt so với âm nhạc thời thượng đang thống trị các bảng xếp hạng thế giới lúc đó.
Không ít ca sĩ... tự hào vì nhiều đơn vị tổ chức nước ngoài bày tỏ sự kinh ngạc về âm nhạc Việt Nam đã tiệm cận âm nhạc mang tính xu hướng của thế giới. Trình độ làm nhạc của Việt Nam so với thế giới cũng không quá cách biệt. Tuy nhiên, họ cũng nghĩ rằng nhạc Việt phải là những thứ rất khác với những gì mà họ nghe thấy ca sĩ Việt Nam trình diễn.
Đi sai đường
Trái ngược với sự tự hào của các ca sĩ rằng đã bắt kịp âm nhạc thế giới, những người có thâm niên trong giới nhìn nhận những người trẻ không biết tận dụng cơ hội của mình để quảng bá nhạc Việt một cách đúng nghĩa.
Thực tế, nhạc Việt đang rất gần với xu hướng âm nhạc thế giới vì sự cập nhật nhanh nhạy của người trẻ nhưng nó chỉ có giá trị thu hút công chúng trẻ trong nước. Với khát vọng giới thiệu nhạc Việt, những sắc màu biểu hiện sự tiệm cận âm nhạc thế giới của ca sĩ chỉ là sự hào nhoáng về hình thức, như lời chào hỏi "bạn khỏe không?" vậy thôi. Điều để lại ấn tượng là những gì đặc sản của Việt Nam.
"Nếu muốn mang nhạc Việt ra thế giới thì phải dùng chất liệu âm nhạc thuần Việt để chinh phục. Ai lại mang thứ âm nhạc bắt chước của họ cho họ nghe! Đó chính là suy nghĩ sai lầm của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay. Họ cố mang ra thế giới thông qua các buổi liên hoan, các chương trình giao lưu văn hóa với nước bạn những gì họ cho là âm nhạc Việt Nam. Thế nhưng, những gì họ đem đến lại hiện đại đến mức không ai biết đó là nhạc Việt. Sự sáng tạo và cố gắng của nghệ sĩ Việt dường như đang lạc lối" - nhạc sĩ Lê Minh Sơn thẳng thắn.
Không chỉ ở những sân chơi mang tính giao lưu, ngay cả khi có ý định tham gia thị trường âm nhạc thế giới như Sơn Tùng M-TP hay Mỹ Tâm..., các nghệ sĩ Việt Nam cũng chỉ chú trọng đến chất trẻ trung, sắc màu hiện đại cho sản phẩm âm nhạc của mình. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho rằng trong thời đại số, cơ hội đến với thế giới không khó như trước. Tuy nhiên, đòi hỏi của công chúng nước ngoài là nghệ sĩ chúng ta phải có tài năng nổi bật. Chúng ta phải cho họ thấy mình có những điều gì đó thật khác biệt. Đó mới là cách gây ấn tượng.
Bản sắc làm nên giá trị
Nhiều nghệ sĩ đã gặt hái thành công khi đi đúng đường - lấy chất liệu âm nhạc truyền thống dân tộc làm nên những sản phẩm âm nhạc hiện đại và được công chúng các nước đón nhận. Nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê vừa trở về Việt Nam trong tháng 4-2018. Ông đã đến với các bản làng của người Mông, người Dao… ở Hà Giang để tìm kiếm các nghệ nhân, những người giữ gìn "âm nhạc thuần khiết" của dân tộc mình để đưa sang biểu diễn tại một bảo tàng dân tộc học ở Lyon - Pháp. Nghệ sĩ Nguyên Lê sẽ cùng biểu diễn tương tác với họ. Chương trình do bảo tàng này tài trợ kinh phí nhằm giới thiệu tới công chúng Pháp và quốc tế âm nhạc của một số dân tộc ít người phía Bắc Việt Nam.
Những tác phẩm do Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang sáng tác cũng mang màu sắc âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó còn có những bài hát xẩm, quan họ Bắc Ninh, dân tộc miền núi phía Bắc, kết hợp giữa các loại nhạc cụ điện tử và nhạc cụ dân tộc: đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn chiêng dây. Album này do Hãng đĩa ACT (Đức) tài trợ toàn bộ kinh phí và dự kiến phát hành khắp châu Âu. "Những album mang màu sắc âm nhạc truyền thống Việt Nam luôn được khán giả quốc tế đón nhận, lượng tiêu thụ đĩa lớn" - nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho biết.
Ngoài ra, những sáng tác của nghệ sĩ Võ Vân Ánh - từng nhận đề cử giải Oscar 2003 dành cho nhạc phim "Daughter from Danang" - thường kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và âm hưởng các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu, trống, t’rưng… "Tôi sẵn sàng kết hợp rock, jazz với nhạc cụ truyền thống của Việt Nam để thế giới yêu thích các nhạc cụ này đã, rồi từ đó họ tìm hiểu về các loại nhạc cụ và âm nhạc dân tộc Việt Nam" - chị bày tỏ.
Tiếc rằng, những người như trên còn rất ít. Nhạc sĩ Quốc Trung nhận xét: "Chúng ta có nhiều ngôi sao mà thu nhập không cách xa so với khu vực nhưng tài năng thì lại cách rất xa".