Một sự kiện xưa nay chưa từng thấy là diễn viên trong phim đến các chợ tiếp thị cho bộ phim mình đóng đang phát sóng. Câu chuyện về diễn viên của phim "Gạo nếp, gạo tẻ" đang phát sóng trên kênh HTV2 Đài Truyền hình TP HCM đến từng chị tiểu thương trong chợ để giới thiệu và kêu gọi mọi người xem ủng hộ gợi cho người trong giới nhiều suy ngẫm.
Tự đánh mất vị trí của mình
Đây rõ ràng là giải pháp tình thế của các nhà sản xuất phim truyền hình phía Nam trong hoàn cảnh lượng người xem phim truyền hình Việt trên các kênh truyền hình địa phương đang giảm sút dưới ngưỡng cho phép. Chuyện này chắc chắn sẽ không xảy ra nếu phim truyền hình của các hãng phía Nam vẫn đang ăn khách như 10 năm trước, dù đạo diễn bộ phim "Gạo nếp, gạo tẻ" nói rằng đây là phim về đề tài gia đình, đối tượng khán giả chính mà bộ phim hướng đến là phụ nữ gia đình nên ngay từ lúc bắt tay vào sản xuất họ đã có kế hoạch về những chuyến đi tiếp thị đến các chợ.
Cảnh trong phim "Gạo nếp, gạo tẻ". (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Hơn 10 năm trước, phim truyền hình dài tập bắt đầu sản xuất thương mại tại các hãng phim của phía Nam với phim "Vòng xoáy tình yêu" do Lasta sản xuất phát trên sóng HTV7. Nếu tính cả những phim dài tập của Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) sản xuất trước đó (từ 1995) thì TP HCM là địa phương sản xuất phim truyền hình dài tập khá sớm nếu so với các đơn vị làm phim phía Bắc, kể cả Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC). Những bộ phim được làm chỉn chu về nghề của TFS như: "Đất phương Nam", "Người đẹp Tây Đô", "Ngọn nến hoàng cung", "Giã từ dĩ vãng"… cho đến loạt phim mang hơi thở mới, trẻ trung, hiện đại của Công ty Lasta ra đời nối tiếp đã cuốn hút mạnh mẽ người xem, tạo đà cho phim truyền hình dài tập của Việt Nam phát triển.
Nhưng khi phim truyền hình nhiều tập của Việt Nam, chủ yếu là của một số công ty sản xuất phim phía Nam ăn khách trên các kênh truyền hình quốc gia và TP HCM, các công ty nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này bởi thấy quá lời. Hệ quả là phim truyền hình Việt tuột dốc không phanh. Nhiều người tham gia sản xuất nhưng đội ngũ sáng tạo chuyên nghiệp có hạn nên từ khâu kịch bản yếu kém đến khâu dàn dựng cẩu thả, không có nghề và diễn viên chỉ cần có nhan sắc là được chọn, không cần quan tâm đến khả năng diễn xuất… đã góp phần giết chết phim truyền hình Việt chỉ sau vài năm.
Thị trường phim truyền hình Việt vừa giành lại từ phim Hồng Kông, Đài Loan đã mất dần bởi phim Hàn, Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí là phim Philippines và Ấn Độ. Đến lúc này, các nhà sản xuất phim truyền hình Việt tỉnh ra thì đã muộn.
Gầy dựng lại niềm tin không hề dễ
Giới chuyên môn cho rằng sự bùng phát sản xuất một cách ồ ạt phim truyền hình kém chất lượng không chỉ khiến khán giả quay lưng mà còn gây ra hệ lụy là làm hư hỏng đội ngũ sáng tạo: Từ chuyên nghiệp thành nghiệp dư hóa. Gần 20 năm phát triển của mình, đáng lý phim truyền hình Việt phải tạo ra được đội ngũ biên kịch và đạo diễn chuyên nghiệp, giỏi nghề nhưng ngược lại. Các nhà sản xuất phim đều làm việc với tư duy "ăn xổi, ở thì", kiếm được lợi nhuận ngày nào hay ngày ấy, chẳng ai quan tâm đến đào tạo đội ngũ cho mình. Khi phim càng ế khán giả, đội ngũ chuyên nghiệp bị đẩy ra ngoài vì nhà sản xuất muốn giảm chi phí sản phẩm. Thói quen làm vội, cẩu thả để chạy theo số lượng mà không cần quan tâm đến chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu có đủ tập phim cho nhà đài phát sóng đã trở nên khó thay đổi trong tư duy của đội ngũ làm nghề từ biên kịch đến đạo diễn và các khâu sáng tạo khác.
Vì vậy, đến nay khâu kịch bản của phim truyền hình vẫn là lỗ hổng. Tính không chuyên nghiệp trong xây dựng kịch bản của đội ngũ biên kịch phim truyền hình hiện nay đã tạo ra những kịch bản không đủ sức cạnh tranh với kịch bản mua lại từ các nước trong khu vực. Nhà sản xuất lại bỏ rơi biên kịch trong nước chạy theo phong trào Việt hóa kịch bản phim ăn khách của nước ngoài. Ngay đội ngũ đạo diễn làm phim truyền hình của khu vực phía Nam cũng hiếm hoi người có tay nghề giỏi.
Những năm gần đây phim truyền hình do VFC sản xuất phát trên sóng truyền hình quốc gia phần nào lấy lại phong độ cho phim truyền hình Việt cũng nhờ đào tạo được đội ngũ đạo diễn trẻ đam mê, nhiệt huyết bên cạnh lớp đạo diễn có thâm niên và kinh nghiệm dày dặn trong nghề cùng tham gia bổ trợ cho nhau.
Thị trường giải trí hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt vì vậy việc tìm lại khán giả cho phim truyền hình trên sóng các đài truyền hình địa phương, các kênh truyền hình cáp sẽ khó khăn hơn nhiều, ngoại trừ các kênh truyền hình Vĩnh Long đang có lượng khán giả bình dân truyền thống tương đối lớn.
Cách tiếp thị của phim "Gạo nếp, gạo tẻ" cũng cho thấy nỗ lực tìm kiếm khán giả của nhà sản xuất và ê-kíp thực hiện phim trong tình hình khát khán giả. Nhưng với giới chuyên môn, đây là cái giá phải trả của phim truyền hình Việt. Giá như các nhà sản xuất biết trước có thảm cảnh như hôm nay thì chắc rằng phim truyền hình của phía Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.
Không phải cách căn cơ
Có người xem việc đưa nghệ sĩ ra chợ mời gọi tiểu thương xem phim là cách làm mới, sáng tạo trong tiếp thị quảng bá phim nhằm đưa được thông tin về phim đến tận khán giả thật sự có nhu cầu. Tác giả và đạo diễn Hoàng Anh cũng bày tỏ những ý kiến, nhận xét của khán giả ở những nơi này giúp cho ê-kíp làm phim đo được cảm xúc của người xem. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng đây không phải là cách làm căn cơ. Không ai lại bắt nghệ sĩ vào các chợ để làm công việc của một nhân viên tiếp thị khổ sở như vậy vì công việc của họ là sáng tạo ở chốn phim trường. Càng làm như vậy, phim truyền hình càng cho thấy sự ế khách thảm hại của mình mà thôi.