Những thất bại của các phim về chủ đề hoán đổi thân xác: "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Hoán đổi thân xác", "Lôi báo"... khiến người xem dè chừng với hai phim cùng chủ đề này được khai thác năm nay. Phim thể loại khoa học viễn tưởng vẫn mãi là giấc mơ xa của nhà làm phim Việt, khó thành công do hạn chế về vốn đầu tư, kỹ xảo và cả khả năng diễn xuất.
Làm theo nhưng không tới
Từng thất bại với phim "Hoán đổi thân xác", nhà sản xuất Nhất Trung vẫn mặn mà đề tài này và tiếp tục giữ vai trò sản xuất, viết kịch bản cho "Hoán đổi". Phim do Võ Thanh Hòa đạo diễn, ra rạp vào dịp lễ 2-9, kể về một võ sư (Việt Hương đóng) bị cơn lốc xoáy đánh tráo thể xác với ca sĩ Tiên Tiên (Nhã Phương đóng). Dự án thứ hai cùng chủ đề là tác phẩm "Hồn papa da con gái" do đạo diễn Nhật Ken Ochiai thực hiện. Phim được bấm máy vào ngày 2-7, sẽ công chiếu tháng 12, xoay quanh hai cha con Hải (Thái Hòa) và Châu (Kaity Nguyễn) bị tráo đổi thân xác cho nhau vì một lời nguyền. Đề tài hoán đổi thân xác không mới lạ với thế giới khi có rất nhiều tác phẩm ghi dấu ấn cả ở điện ảnh lẫn truyền hình: "Hot chick", "Change up", "Secret Garden"... Việt Nam cũng khai thác chủ đề này từ lâu nhưng đa phần các sản phẩm đều không thành công cả doanh thu và chuyên môn. Ở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", phim bị chê miêu tả những cảnh dung tục để gây cười thô thiển. Với phim "Hoán đổi thân xác", những màn đổi xác giữa nam siêu mẫu và nữ ca sĩ, nhà khoa học và chú chó bị lạm dụng gây cười hời hợt. Nhân vật trở nên lố bịch, nội dung rời rạc.
Cảnh trong phim "Lôi báo", một tác phẩm được đầu tư tâm huyết nhưng thất bại doanh thu phòng vé.
(Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phim truyền hình cũng từng khai thác đề tài hoán đổi thân xác qua phim "Cô nàng bất đắc dĩ" do Vũ Thu Phương đóng chính nhưng không thành công: kịch bản thiếu cao trào, nhiều chi tiết phi lý, diễn xuất của Vũ Thu Phương cũng chưa đủ già dặn để có thể lột tả tính cách nhân vật mình thể hiện.
Dồn trọng tâm vào câu chuyện siêu anh hùng nhưng phim "Lôi báo", sản xuất năm 2017 cũng đặt nhân vật chính vào hoàn cảnh giằng xé thể xác và tâm hồn sau phẫu thuật đổi đầu. Não bộ của họa sĩ Tâm chịu tác động của hiện tượng "ký ức tế bào" từ người chủ cũ thân mình hoán đổi, quên đi những kỹ năng cũ, dung nhập sức mạnh và kỹ năng mới. Một cách thể hiện lạ đề tài hoán đổi thân xác, tương tự vài phim nước ngoài: "Self/less", "Face off",... nhưng "Lôi báo" vẫn không thành công.
Người trong giới cho rằng yếu tố quan trọng khiến các phim này thất bại là vì làm chưa tới cả về kịch bản, kỹ xảo, diễn xuất so với những tác phẩm cùng đề tài do nước ngoài thực hiện. Biên kịch Thanh Hương nói "Lôi báo" có câu chuyện nhạt, chưa chạm cảm xúc người xem. Dù nỗ lực lái câu chuyện sang tình cảm gia đình nhưng phim còn khiên cưỡng, nhiều chi tiết thiếu thuyết phục.
Hãy lượng sức mình
Không chỉ chủ đề hoán đổi thân xác, lâu nay, phim Việt vẫn chạy theo phim nước ngoài khai thác chủ đề vượt thời gian, siêu nhân, siêu năng lực. Những phim có thể kể đến: "Võ lâm truyền kỳ", "Lửa Phật", "Siêu nhân X", "Fan cuồng" và tất cả đều thua ở mức độ khác nhau. Trong đó, "Lửa Phật" đầu tư 15 tỉ đồng thu về chưa đến 1/3, "Fan cuồng" đầu tư 26 tỉ đồng thu về chỉ 8 tỉ đồng sau 3 ngày chiếu. Những vụ lỗ nặng này khiến không ít người trong cuộc hoang mang. Người trong giới đặt vấn đề: "Tại sao cứ phải thế giới có gì phim Việt cũng ráng làm theo, đa phần làm không tới, dẫn đến bị phản ứng ngược từ khán giả?".
Thực ra một số nhà làm phim muốn mang mới lạ đến cho khán giả, làm nên sự độc đáo cho riêng mình. Nhưng vì "lực bất tòng tâm", họ không đủ kinh phí để có thể đầu tư tương đương như phim nước ngoài. Những sản phẩm có kỹ xảo vụng về, nội dung không mới thì khó lòng được khán giả đón nhận, nhất là trong thời buổi phim "bom tấn" của Hollywood, của Hàn Quốc liên tục ra rạp Việt. Một số nhà sản xuất nghĩ rằng "ăn theo" độ nóng những phim đề tài lạ của thế giới sẽ thành công nhưng kết quả ngược lại. "Sự sáng tạo trong nghệ thuật là vô tận, không nên hạn chế nhưng quan trọng là làm cho tới. Nhà sản xuất cần biết thực lực của mình đến đâu" - biên kịch Thanh Hương nói.
Nhà báo Cát Vũ cũng cho rằng sự sáng tạo khác với bắt chước, thấy người ta làm du hành thời gian cũng chuyển sang làm, hoán đổi thân xác cũng tìm cách thực hiện nhưng thiếu sáng tạo kịch bản, tìm cái cớ cho sự hoán đổi giữa các nhân vật khiên cưỡng dẫn đến thiếu thuyết phục. Bắt chước nhưng làm không tới càng bị so sánh, chỉ trích. Những ý tưởng độc nhất với câu chuyện lý thú luôn hấp dẫn khán giả. Nhà làm phim cần dẫn đầu xu hướng hơn là chạy theo nước ngoài để rồi loay hoay, mệt mỏi.
Tìm về giá trị văn hóa dân tộc
"Đa phần nhà sản xuất họ nghĩ chủ đề đó mới mẻ, ăn khách ở nước ngoài nên cũng đặt viết kịch bản rồi làm theo nhưng không đoán đúng thị hiếu khán giả cũng như làm không tới, dẫn đến thất bại. Tôi nghĩ kho tàng văn hóa Việt đầy chất liệu hay, sáng tạo kiểu nào cũng là cái riêng của Việt Nam. Những câu chuyện gần gũi này nếu làm tốt sẽ mang đến thành công doanh thu như những gì phim "Lô tô", "Xóm trọ 3D", "Cô Ba Sài Gòn",... làm được" - đạo diễn Phương Điền góp ý. Thực tế, một số nhà sản xuất cũng đã bắt đầu quan tâm đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa, di sản dân tộc bằng sáng tạo riêng.
Sau "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", và "Cô Ba Sài Gòn", Ngô Thanh Vân sắp ra rạp phim về đề tài nghệ thuật cải lương mang tên "Song Lang". Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khai thác đề tài văn hóa dân tộc qua phim "Gạo chợ nước sông" sau "Lô tô". Đạo diễn Đức Thịnh cũng dồn tâm sức cho dự án phim "Trạng Quỳnh" - nhân vật trong truyện dân gian đặc sắc và quen thuộc của kho tàng văn hóa Việt.