NSƯT Kim Tử Long và Quế Trân luôn tạo dấu ấn trong các vở diễn trên sân khấu cải lương
Có thể nói NSƯT Kim Tử Long là "chàng kép" năng động nhất hiện nay với liên tục các dự án: "Ba thế hệ về lại cội nguồn", "Ngôi sao phương Nam" – chương trình cải lương biểu diễn trên đất Bắc và các vở diễn góp phần làm cho sân khấu sáng đèn.
Việc tái dựng vở "Rạng ngọc Côn Sơn" là cách anh đo lường khán giả khi đến với các vở diễn được dàn dựng mới trên sân khấu Nhà hát Bến Thành và quy tụ lực lượng diễn viên trẻ từ cuộc thi "Đường đến danh ca vọng cổ" và "Chuông vàng vọng cổ".
NSƯT Kim Tử Long
"Bộ môn cải lương có sống được trong ngôi nhà của chính mình hay không đang là điều trăn trở của những nghệ sĩ còn tâm huyết. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy hiện nay là sự xuống dốc của bộ môn cải lương ở khâu thiếu sự đoàn kết. Từ 2 năm trở lại đây, số lượng live show của các nghệ sĩ cải lương được tổ chức nhiều hơn hẳn các năm trước. Trong khi đó, số lượng vở diễn mới xuất hiện khá khiêm tốn. Chiến lược phát triển của sân khấu cải lương khi có một ngôi nhà mới chẳng lẽ chỉ là những live show ăn mòn trên hào quang cũ, hoặc một vài vở diễn ra mắt vài ba suất rồi cất vào kho?" – NSƯT Kim Tử Long trăn trở.
NSƯT Kim Tử Long và NS Trinh Trinh
Theo nghệ sĩ giàu tâm huyết này, có hai nguyên nhân khiến cải lương không phát huy là thiếu chiến lược và không có kế hoạch đào tạo. Thực tế là thời gian qua, chính vì sân khấu ít vở diễn đã "vô tình" tập cho khán giả thói quen ngại đến rạp.
"Cải lương có tính đặc thù riêng, muốn thăng hoa, nghệ sĩ trẻ phải cọ xát với sàn diễn, mà muốn được tỏa sáng thì nhà nước phải đầu tư vở diễn mới. Các đơn vị xã hội hóa của cải lương rất cần được động viên, không để chúng tôi tự bơi khi tâm huyết quá héo mòn" – NSƯT Kim Tử Long bày tỏ. Anh nhấn mạnh lối đi cho sân khấu cải lương chính là sự đoàn kết từ nội bộ, cộng với sự định hướng mang tính chiến lược của các nhà quản lý và trên hết là ý thức của người nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật đã tròn 100 tuổi.
NSƯT Kim Tử Long và NS Trinh Trinh trong vở "Xử án Phi Giao"