Đổ xô làm phim chiếu trên internet không còn là chuyện hiếm khi hằng ngày có vô số tác phẩm được đưa lên mạng xã hội YouTube. Để cạnh tranh nhau, cũng như xây dựng một kênh đông người xem, nhiều nghệ sĩ mạnh dạn đầu tư vào các loạt phim chiếu mạng đến mức chỉn chu. Họ đổ tiền, công sức cho thể loại sit-com (hài tình huống), parody (nhái lại tác phẩm nổi trội), phim nhiều tập... Nhưng để kiếm lời được ở mảnh đất này xem ra còn lắm nhọc nhằn.
Tự do sáng tạo, tự do phát sóng
Khác với phim phát sóng truyền hình, chiếu rạp, các nghệ sĩ làm phim chiếu trên nền tảng internet không bị gò bó vào đề tài, thể loại, không bị kiểm duyệt kịch bản cũng như nội dung phim thành phẩm trước khi được phép phát sóng. Họ thoải mái sáng tạo theo ý thích của mình, miễn sao nội dung trong phim không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, nhà sản xuất không phụ thuộc vào lịch phát sóng hay lịch phát hành do nhà đài, chủ rạp sắp xếp, đôi lúc khó chen chân. Họ cho lên sóng trực tuyến bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu mình muốn.
Cảnh trong phim "Thập tam muội" chiếu trên nền tảng internet. (Ảnh cắt từ màn hình)
Tự tin và tự do quyết định với những sáng tạo của mình nên các nghệ sĩ trẻ mạnh dạn đầu tư lớn cho những dự án tâm huyết. Huỳnh Lập chi 3,6 tỉ đồng để sản xuất 8 tập phim "Ai chết giơ tay", quy tụ một lượng lớn diễn viên trẻ và những gương mặt gạo cội: Hữu Châu, Ngân Quỳnh, Kim Xuân... Sau "Ai chết giơ tay", kênh Huỳnh Lập tăng lượng "theo dõi", nhận nút vàng của YouTube. Với danh tiếng mạnh hơn, cặp đôi Thu Trang - Tiến Luật tạo sức hút lớn khi tung loạt phim "Thập tam muội" thuộc thể loại hành động - hài, hình ảnh chất lượng, dàn diễn viên hợp vai, hài không lố nên mỗi tập đều dẫn đầu tốp thịnh hành. Tác phẩm "Nam phi liên hoàn kế" của Nam Thư với vốn đầu tư ước tính hàng trăm triệu đồng cũng tạo dấu ấn ngay khi ra mắt vì đẹp từ cảnh quay đến diễn viên, câu chuyện thu hút. Việc các nghệ sĩ cạnh tranh nhau bằng những tác phẩm chỉn chu, không phải hài hời hợt, góp phần giúp thay đổi thị trường phim chiếu mạng theo hướng tích cực.
"Tôi thấy làm phim phục vụ khán giả trên mạng dễ hơn vì tác phẩm của mình ai cũng có thể xem, độ lan tỏa rộng. Với đề tài về tâm linh như "Ai chết giơ tay" nếu ra rạp hoặc lên truyền hình sẽ khó qua ải kiểm duyệt" - Huỳnh Lập cho biết.
Khó thu hồi vốn
Trước cảnh phim chiếu mạng trăm hoa đua nở, nâng chất so với trước, người trong giới cho rằng đây là tín hiệu vui. Tuy nhiên, thị trường này dần dần cho thấy không phải sân chơi cho người ít vốn, muốn khai thác lợi nhuận tức thì qua nền tảng trực tuyến. Bởi thực tế, phần tiền thu được từ YouTube khó bù đắp chi phí đầu tư làm ra tác phẩm chỉn chu. Nữ diễn viên Nam Thư không ít lần khẳng định trên các phương tiện truyền thông rằng làm phim chiếu mạng được tiếng chứ không có miếng. Cô từng bỏ vài trăm triệu đồng để thực hiện 2 phim ngắn trong tài khoản YouTube cũ nhưng thu về chỉ hơn 14 triệu đồng. "Khi làm phim phát trên YouTube, tôi ít đặt lợi nhuận lên hàng đầu, bởi phim điện ảnh nắm rõ thắng thua còn phim chiếu mạng mông lung, chỉ mong được khán giả chia sẻ nhiều" - Nam Thư tâm sự. Nam diễn viên trẻ Huỳnh Lập bỏ gần 4 tỉ đồng cho 8 tập phim "Ai chết giơ tay" nhưng anh cho biết thu về chỉ mới hơn 200 triệu đồng. Trước đó, diễn viên Kinh Quốc cũng từng khẳng định lỗ 600 triệu đồng sau 1 năm làm phim ngắn chiếu YouTube.
Hầu hết những nghệ sĩ, nhà đầu tư làm phim trực tuyến đều biết khó thu hồi vốn nhưng vẫn làm. Họ làm vì lời hứa có sản phẩm phục vụ khán giả đại chúng, tăng độ nhận diện, tương tác hoặc duy trì, phát triển kênh,... để hưởng các giá trị tinh thần khác mang tính lâu dài.
Cũng có trường hợp dùng mạng như thước đo độ quan tâm của công chúng để phát triển thành sản phẩm chiếu rạp, thu lợi. Diễn viên Tiến Luật thú nhận: "Tôi ấp ủ dự án "Thập tam muội" làm để chiếu rạp chứ không phải trên YouTube nhưng đây là chủ đề nhạy cảm, không biết khán giả có ủng hộ không. Sau khi nhận được tín hiệu tích cực từ khán giả, tôi tự tin hơn để đưa câu chuyện lên màn ảnh rộng, các nhà đầu tư cũng ủng hộ chúng tôi".
Việc đầu tư nửa vời với mong thu lợi chóng vánh cũng không dễ trong tình hình cạnh tranh cao bởi các tên tuổi lớn có vốn mạnh, sản phẩm chỉn chu đang gia nhập thị trường này. "Sau nhiều năm làm phim chiếu mạng đủ thể loại, tôi thấy không thu được lợi nhuận. Một tập phim muốn hay, đủ sức cạnh tranh cũng phải đầu tư vài trăm triệu đồng, thu lại từ YouTube giỏi nhất cũng chỉ một nửa, khó hoàn vốn. Những kênh lâu đời và ra sản phẩm thường xuyên, tương tác liên tục thì họa may có thể thu hồi vốn nhưng cũng rất khó" - đạo diễn Luk Vân khẳng định.
Hành trình khó khăn
Theo đạo diễn Luk Vân, một cuộc chơi không thu lợi nhuận tức thì nhưng vẫn bùng nổ ở giai đoạn này vì nhiều nghệ sĩ thích sáng tạo muốn phô diễn cho khán giả thấy nhiều góc độ của họ, khả năng diễn xuất đa dạng hơn những gì chỉ được thấy trên truyền hình.
Nhà biên kịch Châu Thổ cho rằng phim chiếu trên mạng phải thấp vốn hơn cả sit-com mới mong có lợi nhuận. Những tác phẩm chỉn chu đa phần đều không phải kinh doanh, chủ yếu để quảng bá thương hiệu hoặc là sản phẩm được thuê phục vụ mục đích quảng cáo. Việc một phim nhiều khán giả trên mạng xem cũng chưa chắc sẽ thắng doanh thu khi lên màn ảnh rộng vì khán giả trên mạng đủ mọi độ tuổi và ở nhiều nơi khác nhau. Trong khi đó, phim ra rạp phải chịu sự quy định về độ tuổi, văn hóa xem phim ngoài rạp chỉ phổ biến nhiều tại các đô thị, thành phố lớn. Rõ ràng, hành trình từ ảo đến thực vẫn muôn điều khó, đòi hỏi những nhà đầu tư có sự kiên nhẫn, tâm huyết.