Nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94, ông có nhiều tác phẩm được giới sân khấu cải lương chuyển thể và tạo làn sóng hâm mộ thập niên 70
Bày tỏ lòng thương tiếc với sự ra đi của nhà văn Kim Dung, NSND Lệ Thủy tâm sự: "Du nhập vào Sài Gòn thập niên 70, cải lương kiếm hiệp đa phần được dàn dựng trên sân khấu Kim Chung, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương. Tôi còn nhớ tuồng "Cô gái Đồ Long" được hai soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng sáng tác đã tạo cơn sốc đỉnh điểm đối với khán giả mộ điệu cải lương thời đó. Từ những trang sách được dịch tiếng Việt mà người dân thích đọc, họ đã có thêm những cảm xúc dạt dào khi xem nghệ sĩ cải lương biểu diễn trên sân khấu".
NSƯT Minh Vương và Mỹ Châu trong một vở tuồng cải lương kiếm hiệp
Còn "Khôi Nguyên vọng cổ" năm 1964 Minh Vương đã chia sẻ: "Tôi đọc nhiều tác phẩm của ông và thích cụm từ mà người ta hay gọi ông - "Võ lâm minh chủ" khi nói về sách kiếm hiệp. Các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của ông đều được chuyển thể thành các bộ phim đình đám, tạo tiếng vang xa như "Anh Hùng Xạ Điêu", "Thần Điêu Đại Hiệp", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Lộc Đỉnh Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Thiên Long Bát Bộ"... mà với giới sân khấu cải lương thì không xa lạ khi các soạn giả một thời lừng lẫy đã chịu nhiều ảnh hưởng trong sáng tác kịch bản cải lương kiếm hiệp thời đó".
NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy trong vở cải lương kiếm hiệp "Máu nhuộm sân chùa"
Danh ca huyền thoại của sân khấu cải lương - NS Minh Cảnh cho rằng sức ảnh hưởng của tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đã cứu nguy cho sàn diễn cải lương một thời khi rơi vào tình cảnh thiếu kịch bản hay, bị khán giả Sài Gòn quay lưng và đua nhau đến các rạp để xem phim Hong Kong mà món ăn chính là "kiếm hiệp Kim Dung".
"Trước xu thế đó, các ông bà bầu đã buộc các soạn giả thường trực phải sáng tác ngay những kịch bản cải lương ăn theo trào lưu kiếm hiệp để cứu nguy sàn diễn. Cặp mắt nhìn xa trông rộng của các ông bà bầu thời đó như bầu Long (Kim Chung), bầu Kim Chưởng, bầu Xuân (Dạ Lý Hương)…đã thúc đẩy các soạn giả như Mộng Vân, Hà Triều, Hoa Phượng, Yên Lang, Nguyên Thảo, Yên Ba, Mộc Linh, Hoàng Khâm, Thế Châu, Nhị Kiều, Viễn Châu…xoay trục sang sáng tác cải lương kiếm hiệp. Mà muốn viết hay thì phải đọc, phải nghiên cứu. Thế là họ vào cuộc, tìm những tứ hay nhất của tác phẩm Kim Dung mà đưa vào sáng tác cải lương" – danh ca Minh Cảnh nhớ lại.
NSND Lệ Thủy và NS Minh Cảnh
Ông nhấn mạnh nét độc đáo của soạn giả cải lương kể trên khi chuyển thể từ tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung là không minh họa khô khan những câu chuyện hận thù trong giới võ lâm mà chọn thông điệp nhân văn gần với chất cải lương mà chỉ có cải lương mới chuyển tải hết.
"Trong tác phẩm cải lương "Cô gái Đồ Long", sự phân biệt chính - tà rõ ràng đã là quan điểm sáng tác hết sức ấn tượng của Hà Triều, Hoa Phượng khi đưa vào vở diễn quan niệm quân tử đại trượng phu, sống có tình, có nghĩa, đặt tình chung lên những lợi ích cá nhân. Và chính những tình yêu thánh thiện kiểu như Dương Qua - Tiểu Long Nữ, Vô Kỵ - Triệu Minh... hoặc tình yêu đơn phương như Chu Chỉ Nhược đã tạo đất diễn để đưa vọng cổ, bài bản cải lương mùi mẫn vào, từ đó mà công chúng mộ điệu kéo đến rạp để được thả cảm xúc vào những câu chuyện đang làm họ mê mẫn từ tác phẩm văn chương của Kim Dung. Tôi còn nhớ khán giả thời đó mê đắm Tấn Tài – Vô Kỵ và Bạch Tuyết – Triệu Minh đến cỡ nào" – danh ca Minh Cảnh hồi tưởng.
NS MInh Cảnh và NSƯT Mỹ Châu - hai ngôi sao sáng của cải lương kiếm hiệp được khán giả mộ điệu
Soạn giả Nguyễn Phương nhận định xã hội thật sinh động mà Kim Dung mô tả trong tiểu thuyết là chất xúc tác để những soạn giả cải lương sáng tạo không ngừng.
"Sài Gòn thời đó thích thú cải lương kiếm hiệp vì những con người rất bình thường tốt xấu xen lẫn trong xã hội, đến khi chạm vào hoàn cảnh mới bộc lộ hết tâm tính. Và khi có những vấn đề không thể giải quyết họ nghĩ đến cách của Kim Dung, hành xử rất ngang tàng hoặc đầy cao thượng. Những Quách Tĩnh cực tốt bụng, "Ngụy quân tử" Nhạc Bất Quần hiểm ác, Mộ Dung Phục giả dối, Vi Tiểu Bảo khôn ngoan, Triệu Minh chung tình, Tạ Tốn hiên ngang… đã góp phần vào hành trang nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ cải lương một thời, trong đó khán giả nhớ nhất vai Tạ Tốn của cố NSƯT Thanh Sang, vai diễn đã mang về cho người nghệ sĩ này HCV triển vọng Thanh Tâm năm 1964" – soạn giả Nguyễn Phương chia sẻ.