Trong số 171 kênh YouTube Việt Nam được chứng nhận nút vàng YouTube thế giới (những kênh YouTube đạt 1 triệu lượt người theo dõi), có 5 kênh YouTube của các ca sĩ, gồm: Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Lâm Chấn Khang, Hồ Quang Hiếu và Châu Khải Phong. Con số và hình ảnh có thật này ít nhiều khiến công chúng hoang mang.
Thẩm mỹ thưởng thức của công chúng thay đổi?
Nếu như Sơn Tùng M-TP và Bích Phương quá quen thuộc với khán giả thì Lâm Chấn Khang, Châu Khải Phong hay Hồ Quang Hiếu vẫn còn xa lạ với khán giả thị thành. Bù lại, họ là những cái tên đắt sô ở các tỉnh miền Tây với biệt danh "ngôi sao hội chợ". Điều đó cũng đồng nghĩa sắc màu âm nhạc mà họ theo đuổi là những gì khán giả bình dân dễ nghe, dễ thuộc.
Những năm gần đây, công chúng ghi nhận sự nỗ lực của nhiều lớp nghệ sĩ trẻ trong việc sáng tạo và làm mới mình để tiếp cận với âm nhạc quốc tế. Hip hop, RnB cho đến reggae thịnh hành trong năm 2018 đều đã có mặt trong đời sống âm nhạc Việt Nam, cho thấy diện mạo nhạc Việt đang có những bước tiến nhờ những nỗ lực sáng tạo của lớp nghệ sĩ trẻ.
Một thực tế khác, những sản phẩm âm nhạc có phần dễ dãi, kém chất lượng từ giai điệu lẫn ca từ được tạo ra bởi các ca sĩ mang mác "ngôi sao hội chợ" vẫn luôn có chỗ đứng mà không cần bất cứ thay đổi nào. Vẫn một chủ đề, một cách thể hiện, dòng nhạc được xem là "mì ăn liền" này vẫn tồn tại bất chấp khát khao thay đổi của âm nhạc Việt Nam. Lướt qua những bảng xếp hạng nhạc Việt, không khó để tìm thấy những ca khúc có thể loại, ca từ và cách thể hiện cũ kỹ. Trong thời đại YouTube, những ca khúc này vẫn lọt "Top Trending" và còn đạt đến cột mốc nút bạc, nút vàng YouTube nhanh hơn nhiều ca sĩ theo đuổi những dòng nhạc mới.
Hình ảnh trong MV “Người trong giang hồ” của Lâm Chấn Khang. (Ảnh cắt từ MV)
Trong đó, loạt video ca nhạc "Người trong giang hồ" của Lâm Chấn Khang, nổi đình đám trên YouTube với vị trí tốp 10 video nổi bật nhất thế giới, có lượng view đạt 240 triệu cho phần lượt xem nhiều nhất. Thế nhưng, "Người trong giang hồ" có nhiều ý kiến nhận định là nhảm nhí. Ngay chính Lâm Chấn Khang cũng không tham vọng làm một bộ phim "nghệ thuật cao cấp" khi đối tượng khán giả của anh là tầng lớp bình dân. Đây cũng là những gì mà khán giả thấy được ở "Thiếu niên ra giang hồ" của Hồ Quang Hiếu, "Cuộc vui cô đơn" của Lê Bảo Bình, "Ngắm hoa lệ rơi" hay "Nếu ta ngược lối" của Châu Khải Phong…
Mô-típ quen thuộc của những sản phẩm này là việc xuất hiện từ 3 đến 4 ca khúc trong MV (video ca nhạc) với cấu trúc nhạc ballad quen thuộc, vài ca khúc nhạc Hoa lời Việt đang thịnh hành. MV cũng không cần trau chuốt nội dung, góc máy, bối cảnh quay, diễn xuất… Thay vào đó là một câu chuyện mang chất "anh hùng thời đại", giang hồ, đánh đấm…
Đích đến của YouTube chỉ là lợi nhuận
Khi đánh giá của công chúng trở thành chuẩn mực phấn đấu của nghệ sĩ thì những kênh như YouTube không chỉ là phương tiện kết nối mà còn mang nhiệm vụ định hướng thẩm mỹ thưởng thức của người xem - nghe. Giới nghệ sĩ tâm huyết với nghề nói rằng một khi sự nỗ lực của họ đều tan biến chắc chắn chẳng ai đủ kiên nhẫn tiếp tục hành trình của mình để làm ra những sản phẩm chất lượng. Thay vì tận tâm với những khát vọng lớn, họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận, làm ra những sản phẩm phù hợp với đại đa số công chúng dễ tính.
Nhưng nếu các bảng xếp hạng cứ tràn ngập những ca khúc mang kết cấu bài hát quen thuộc, đề tài yêu đương cũ kỹ, ca từ tẻ nhạt sẽ giết chết ý chí phấn đấu và sáng tạo của nhiều người. "Âm nhạc thiếu đầu tư", "không có đẳng cấp", "kéo lùi gu nghe nhạc của khán giả", "ca từ vô nghĩa"… là những đánh giá chung của giới chuyên môn với những ca khúc dưới mức trung bình của những "ca sĩ bình dân" hiện nay. Đó không phải là những nhận xét thành kiến nhưng chắc chắn nếu không có sự đổi mới và sáng tạo, nhạc Việt sẽ không bao giờ có sắc màu riêng hay đủ sức gây chú ý.
Vấn đề ở chỗ, YouTube cũng chỉ là một kênh giải trí mà đích đến cuối cùng cũng chỉ là lợi nhuận. Những ca khúc thu hút nhiều người xem hẳn nhiên dẫn đầu "Top Trending" hay thậm chí là một trong những sản phẩm được xem nhiều nhất thế giới trên YouTube. Vị trí trên bảng xếp hạng của YouTube không đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nếu mặc định YouTube trở thành kênh đánh giá mang tính chuyên môn e rằng có phần lệch chuẩn. Nghệ sĩ chạy đua để giành vị trí cao trên YouTube sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi định lượng của khán giả không hề dựa trên chất lượng sản phẩm mà chỉ đơn giản đo đếm bằng chính sở thích cá nhân.
Lo ngại về gu thưởng thức
Hiện YouTube đang là "mặt sân" của các nghệ sĩ trong cuộc đua giành ngôi vị hàng đầu hay ít nhất xác lập tầm ảnh hưởng của bản thân với công chúng yêu nhạc. Chứng kiến sự bứt phá của các nghệ sĩ tại sân chơi YouTube từ lượt view cho tới thứ hạng trên tốp thịnh hành, giới chuyên môn bắt đầu lo ngại khi chuẩn mực đánh giá năng lực tỏa sáng của ngôi sao thể hiện rõ nét gu thưởng thức âm nhạc của công chúng hiện tại. Theo đó, một bộ phận công chúng không nhỏ gần như đang khước từ sự hòa nhập của nhạc Việt với chuẩn mực thế giới bằng việc đón nhận những giá trị chưa từng được đánh giá cao trong sáng tạo và trong hành trình tiến bộ của nhạc Việt.