"Tấm Cám", không chỉ là cổ tích

Thứ ba, 07 Tháng 5 2019 09:16 (GMT+7)
"Anh ơi ở lại", MV (video ca nhạc) mới nhất của Chi Pu, đã có hơn 28 triệu lượt xem (tính đến ngày 5-5).

Nếu như các sản phẩm âm nhạc trước đó của Chi Pu thường nhận được phản hồi tiêu cực thì MV lần này lại được sự ủng hộ nhiệt tình. Ngoài ca từ, giai điệu, có lẽ phần quan trọng khiến cho "Anh ơi ở lại" được yêu thích đến vậy chính nhờ câu chuyện trong đó, truyện cổ tích "Tấm Cám" thêm một lần trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ thuật.

Ở Việt Nam, chắc chắn ai cũng biết chuyện "Tấm Cám". Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có lẽ đây là tích truyện phổ biến nhất và có sức lan tỏa trong dân gian rất lớn. Năm 2016, bộ phim điện ảnh "Tấm Cám chuyện chưa kể" vẫn nhận được sự quan tâm của khán giả dù chi tiết trong đó ai cũng đã biết rồi.

Tấm Cám, không chỉ là cổ tích - Ảnh 1.

Cảnh trong MV “Anh ơi ở lại” (Ảnh cắt từ màn hình)

"Anh ơi ở lại" của Chi Pu là sự tái trình bày truyện "Tấm Cám" dưới góc nhìn của cô Cám. Cô ác thế nào thì ai cũng thấy nhưng ở đây, tác giả kịch bản MV đã có cái nhìn nhân bản hơn, cố lý giải bản chất cái ác của cô Cám là vì tình yêu, vì ghen tuông... Đột nhiên, khán giả thấy cảm thương cho cô và có lẽ dễ thứ tha cho cô được phần nào.

Cách đây mấy năm, dư luận dấy lên cuộc tranh cãi về cái kết bạo lực khi Tấm giết Cám rồi làm mắm gửi cho dì ghẻ ăn. Dĩ nhiên, cũng giống như nhiều truyện cổ khác, "Tấm Cám" có nhiều dị bản, ở một số dị bản, cái kết thường được sửa đổi để ít kinh dị hơn. Chính trí tuệ dân gian cũng thấy chưa ổn thỏa với thứ công lý báo thù, mang tính hả hê dựa trên sự hành hạ kẻ thủ ác. Xã hội càng văn minh, con người càng khó chấp nhận thứ công lý đó.

Trong tác phẩm "Nhân từ với quỷ dữ", tác giả Bryan Stevenson đã đặt bên cạnh công lý thêm sự cứu chuộc, không chỉ dứt khoát với thứ công lý lạnh lùng, công thức mà còn tìm ở đó khả năng cứu xét, nghĩa là cố đi tìm phần con người trong mỗi phạm nhân. Với tâm thế đó, con người hiện đại không thể chấp nhận những gì đơn tuyến mà đòi hỏi mọi hiện tượng phải được soi tỏ bằng nhiều chiều kích khác nhau.

Càng được ưu ái thì truyện "Tấm Cám" càng được mổ xẻ và phân tích nhiều, nhất là dưới góc nhìn nghệ thuật. Lấy cảm hứng từ truyện ngắn "Tấm khóc, Bụt hiện ra" của nhà văn Nhật Chiêu, tác giả Tiến Phát đã soạn thành vở kịch "Tấm và Hoàng hậu", từng được dàn dựng và công diễn ở Sân khấu Hồng Hạc, mang đến câu chuyện về nỗi hoài nghi, về sự đánh mất chính mình của Tấm khi ngồi trên ghế quyền lực...

Đi ngược lại với tích truyện cổ hay nói đúng hơn là đi sâu hơn vào truyện cổ, nhìn mọi sự bằng tấm lòng hòa ái. "Tấm Cám Musical" của nhóm Buffalo (Giải Mai Vàng 2016) cũng mang nhiều giá trị giáo dục, khi câu chuyện nhấn mạnh khai thác tình chị em và tình cảm gia đình, thay vì chỉ truyền tải thông điệp "ác giả ác báo" như câu chuyện cổ tích gốc, đã chuyển tải những thông điệp của mình theo ý nghĩa, quan điểm mới nhân văn hơn của xã hội ngày nay.

Bên cạnh những cuộc tìm kiếm nguyên do cho câu hỏi vì sao người Việt lại trở nên bạo lực cũng có những người Việt đi tìm cách khước từ bạo lực. Lằn ranh phải trái đúng sai, thiện ác chánh tà không còn hiển lộ rành rành mà cứ chồng lấn lên nhau. Người ta cũng không còn xem cổ tích chỉ là câu chuyện của hôm qua để răn dạy người nay. Nhân vật càng đa diện, câu trả lời về căn tính càng phức tạp. Nhưng quan trọng là trong cuộc tái khám phá những truyện cổ này, con người hiện đại không cố đi tìm bằng chứng để kết tội, cốt thực thi hành động trừng phạt. Họ cố soi xét những bằng cớ không phải để gở tội, để sự trừng phạt không phải thỏa cảm tính mà để có thể độ lượng với những kẻ lầm lạc.

Huỳnh Trọng Khang - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giải Trí