Khi loại hình tấu hài nở rộ trên các sàn diễn, trên sóng truyền hình, nhiều người lo lắng sân khấu sẽ không còn những vai hài có số phận. Thế nhưng, nhìn lại danh sách vai diễn hài được Giải Mai Vàng tôn vinh từng năm, cho thấy chất lượng vai hài ngày càng được giới làm sân khấu coi trọng và diễn viên hài đã có những cuộc trở về đúng nghĩa mang tiếng cười thông qua số phận nhân vật đến với đời sống sân khấu, lan tỏa những giá trị cao đẹp.
Những tấm gương sáng
Ba nghệ sĩ gạo cội được tôn vinh tại Giải Mai Vàng những năm đầu là Ngọc Giàu, Bảo Quốc và Hồng Nga. "Họ đã khẳng định được sự đa dạng khi tạo vai diễn hài thông qua số phận bi kịch. Một bà Bảy bán chè chạnh lòng trước nỗi lo mất việc khi không còn những chuyến phà qua lại sông Hậu trong vở "Bến phà kỷ niệm"; một tiểu đồng thông minh, dí dỏm, theo hầu cậu chủ Hứa Tiên nhưng biết cách can gián để cậu chủ không tham sang, phụ khó mà bỏ bê người vợ thủy chung trong vở "Thanh Xà, Bạch Xà"; một Bao Công đại diện cho lẽ phải chống bè lũ tham quan lộng quyền trong vở "Đoạn trường"… đã làm nên diện mạo cho một vai diễn hài được tôn vinh trong khuôn khổ Giải Mai Vàng những năm đầu. Ba nghệ sĩ Bảo Quốc, Ngọc Giàu, Hồng Nga đã tạo thước đo chuẩn mực cho những đánh giá của công chúng Giải Mai Vàng những năm sau này; là tấm gương để đàn em noi theo, lao động nghệ thuật nghiêm túc mới xứng đáng nhận được giải thưởng của công chúng" - NSND Kim Cương đánh giá.
Nghệ sĩ Bảo Quốc và nghệ sĩ Ngọc Giàu nhận Giải Mai Vàng 1996
Cũng theo NSND Kim Cương, hầu hết các vai hài của Bảo Quốc, Ngọc Giàu, Hồng Nga đều đọng lại trong lòng khán giả cá tính của nhân vật. Ba nghệ sĩ này đã đặt nền tảng đầu tiên cho ý thức tìm kiếm sáng tạo để đúc kết phong cách diễn xuất theo đúng tính cách nhân vật, sự chân thật dựa vài tình huống để phát sinh tiếng cười. Nghệ sĩ Ngọc Giàu thừa nhận: "Từ giải thưởng Mai Vàng, thúc đẩy trong tôi động lực sáng tạo tiếng cười. Vở "Thanh Xà, Bạch Xà" trên sân khấu cải lương, vai tiểu đồng diễn hài nhưng có ca vọng cổ nên bà con khán giả thương lắm. Hoặc vai bà Năm trong vở kịch "Anh sui, chị sui" lại là một dấu ấn trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình, khi chúng tôi quyết tâm làm vở hài kịch hướng đến việc dùng tiếng cười đả phá thói hư tật xấu trong cuộc sống".
Nghệ sĩ Thúy Nga và Tấn Beo nhận Giải Mai Vàng 2003
Với nghệ sĩ Hồng Nga: "Mỗi vai diễn cho tôi nhiều ký ức nhưng đẹp nhất phải kể đến vai bà Bảy trong vở cải lương "Bến phà kỷ niệm" mà hễ nhắc đến là lòng tôi dâng trào hạnh phúc".
Thay tiếng cười dễ dãi
NSND Kim Cương cho rằng cách diễn hài quen thuộc dựa theo ngoại hình đã nhường chỗ để vai kịch tỏa sáng với tên gọi của nhân vật. Đó là điều quý nhất khi sân khấu hài ngày càng có nhiều vở diễn, vai diễn được chăm chút, sáng tạo.
Nghệ sĩ Hoài Linh nhận Giải Mai Vàng 2006
Theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, Giải Mai Vàng đã góp phần rất lớn trong việc tác động đến ý thức làm nghề của nghệ sĩ hài để họ tìm về với vai diễn có số phận, chinh phục khán giả, hơn là chỉ dựa vào tên tuổi ăn khách để "tự tung tự tác" trên sàn diễn tấu hài, mua bán tiếng cười dễ dãi. Giá trị tiếng cười thông qua những vai diễn có số phận đã giúp họ tạo được dấu ấn sâu đậm hơn trong sự nghiệp.
Nghệ sĩ Trường Giang nhận Giải Mai Vàng 2015 (Ảnh: Tư liệu Báo Người Lao Động)
Nghệ sĩ Hồng Vân tâm sự: "Vai hài trong các vở diễn và chương trình không còn là sự lắp ghép để tạo tiếng cười, chúng tôi tin rằng để có được ấn tượng, phải đầu tư, tìm tòi để bật sáng qua cách diễn xuất. Bằng chứng vai thầy bói bịp trong vở "Muỗi ngày" mà tôi được trao giải năm 1998 là một vai phụ nhưng tính cách nhân vật và số phận vai diễn rất hay. Nó mang lại cho tôi nhiều bài học quý".
Đạo diễn Trần Minh Ngọc khen ngợi nghệ sĩ Hoài Linh, 7 lần nhận Giải Mai Vàng hạng mục Diễn viên hài được yêu thích nhất và nghệ sĩ Trường Giang, 3 lần nhận Giải Mai Vàng hạng mục Diễn viên hài được yêu thích nhất: "Từng vai diễn được họ chủ động sáng tạo, tìm kiếm phương cách gây cười gắn với bài học giáo dục, châm biếm sâu sắc đưa đến người xem tiếng cười ý nghĩa".
Hoài Linh đã luôn trăn trở cho vai hài từ khi xây dựng nên Sân khấu kịch Nụ Cười Mới. Anh diễn thật mộc mạc, dung dị, tiếng cười nhờ thế nhẹ nhàng đi vào lòng người, qua các vai: Sáu Bảnh trong vở "Ra giêng anh cưới em", ông Năm trong vở "Người nhà quê", Trạng Quỳnh trong vở "Trạng chết, chúa băng hà", bà thầy bói trong vở "CLB quý bà"… Đặc biệt, vai ông ngoại trong vở "Ông ngoại, bà nội" là đỉnh điểm của việc tạo tiếng cười sâu lắng, khiến người xem không chỉ cười mà phải rơi nước mắt trước thân phận của những người già sống cô độc trong trại điều dưỡng, khao khát được nhận đứa bé mồ côi làm con nuôi. Năm 2010, với vai ông Bảy trong vở "Thiên hạ đệ nhất nổ", Hoài Linh đã dùng tiếng cười đả phá những tiêu cực trong xã hội. Để từ đó, với khuynh hướng tạo tiếng cười từ cuộc sống làm thay đổi cuộc sống, vai cậu Út trong vở "Anh chàng giả gái" (2011), anh đã tìm được tiếng nói chung với người xem về cách diễn hài châm biếm nạn quan tham, lên án cái xấu, tiêu cực trong xã hội.
Cách diễn hài của Trường Giang cũng làm khán giả thích thú khi anh vào vai các nhân vật có chiều sâu, có số phận, không còn láu táu "tán dóc" theo kiểu diễn tấu hài thường thấy trước đó. Vai Mười khó đã thành vai diễn để đời của Trường Giang. Đạo diễn Ca Lê Hồng nhận xét: "Với ý thức thoát khỏi cái bóng vốn quen thuộc của chính mình, Trường Giang đã không dựa vào tên tuổi mà chọc cười, anh để cái duyên của nhân vật ám ảnh mình, từ đó định hướng được phong cách qua các số phận nhân vật, đào sâu trong cách diễn, tạo những thông điệp sáng sủa, yêu đời".
Trường Giang khẳng định: "Không có niềm hạnh phúc nào bằng khi nghệ sĩ được công nhận bằng đánh giá của khán giả. Vai hài được giải, tức là tiếng cười được nhìn nhận đúng mức".
Theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, những vai hài duyên dáng được trao Giải Mai Vàng đã giúp nghệ sĩ hài xây đắp thêm thương hiệu cho mình. Chính nhờ thế, các nghệ sĩ: Hồng Vân, Tấn Beo, Việt Hương, Thúy Nga, Trấn Thành, Hoàng Sơn, Minh Nhí, Ngọc Trinh… đã nhanh chóng tạo thêm uy tín trong giới, gia tăng sự yêu thích của công chúng sau khi đón nhận Giải Mai Vàng. "Tôi cho rằng Giải Mai Vàng đã góp phần tác động đến phong cách diễn xuất của họ, để mỗi khi nhận vai, diễn viên hài sẽ ý thức rõ mình cần phải làm nghề nghiêm túc. Thành tựu 25 năm của Giải Mai Vàng là đã góp phần tích cực với cơ quan quản lý, giới chuyên môn làm trong sạch môi trường hài vốn bị sự tùy tiện lấn át, để tiếng cười thăng hoa".
Nghệ sĩ hài đoạt Giải Mai Vàng
- Nghệ sĩ Bảo Quốc (vai Bao Công, vở "Đoạn trường", năm 1995; ông Thiện vở "Thanh Xà, Bạch Xà", năm 1996).
- Nghệ sĩ Ngọc Giàu (vai bà Năm, vở "Anh sui, chị sui", năm 1995; vai tiểu đồng, vở "Thanh Xà, Bạch Xà", năm 1996).
- Nghệ sĩ Hồng Nga (vai bà Bảy, vở "Bến phà kỷ niệm", năm 1997).
- Nghệ sĩ Minh Nhí (vai Tư Rơm, vở "Cha vợ mê bóng đá", năm 1998).
- Nghệ sĩ Hồng Vân (vai thầy bói bịp, vở "Muỗi ngày", năm 1998).
- Nghệ sĩ Tấn Beo (vai Tèo, vở "Vì sao lên chùa?", năm 2003).
- Nghệ sĩ Thúy Nga (vai bà cụ, vở "Cầu duyên", năm 2003).
- Nghệ sĩ Hoàng Sơn (vai người khách giả điếc, vở "Xích lô", năm 2004).
- Nghệ sĩ Việt Hương (vai Diễm, vở "Sự cám dỗ dịu dàng", năm 2004).
- Nghệ sĩ Ngọc Trinh (vai Xàng, vở "Trái tim nhảy múa", năm 2005).
- Nghệ sĩ Hoài Linh (vai Sáu Bảnh, vở "Ra giêng anh cưới em", năm 2006; ông Năm, vở "Người nhà quê", năm 2007; vai Trạng Quỳnh, vở "Trạng chết, chúa băng hà", năm 2008; vai bà thầy bói, vở "CLB quý bà", năm 2009; vai ông ngoại, vở "Ông ngoại, bà nội", năm 2010; vai ông Bảy, vở "Thiên hạ đệ nhất nổ", năm 2011; vai cậu Út, vở "Anh chàng giả gái", năm 2012; vai trưởng phòng, chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi", năm 2014).
- Nghệ sĩ Trấn Thành (vai người dẫn chuyện, chương trình "Tài, tiếu, tuyệt", năm 2013).
- Nghệ sĩ Trường Giang (vai trưởng phòng, chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi", năm 2015; vai Mười khó, chương trình "Live show Trường Giang", năm 2016; vai người dẫn chuyện, vở "Bí mật đêm chủ nhật", năm 2017).
- Nghệ sĩ Lâm Vỹ Dạ (vai cô gái, chương trình "7 nụ cười xuân", năm 2018).