“The Legend of the Nezha”.
Theo báo cáo từ ngành công nghiệp hoạt hình toàn cầu giai đoạn 2019-2025, ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc đã tăng từ 88,2 tỉ RMB (2013) lên đến 200 tỉ RMB (2019) và dự kiến sẽ đạt 375 tỉ RMB vào năm 2025. Đây là số liệu đáng kinh ngạc, cho thấy sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc. Bởi lẽ, ngành công nghiệp này ở quốc gia đông dân nhất thế giới vốn gặp nhiều khó khăn và ít được coi trọng, thiếu sự quan tâm của chính khán giả bản địa. Ở nước ngoài, phim hoạt hình Trung Quốc lại bị đánh giá kém chất lượng so với các phong cách hoạt hình đã có vị thế của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Nhưng hiện nay, điều đó đã thay đổi. Hoạt hình Trung Quốc chiếm thị trường riêng và từng bước đáp ứng thị hiếu khán giả.
Hạ tầng phát trực tuyến là phương thức hiệu quả và sinh lợi để đưa hoạt hình Trung Quốc đến người tiêu dùng. Li Haoling, người sáng lập Haoliners Animation (sản xuất khoảng 50 phim hoạt hình truyền hình và điện ảnh từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay), nói rằng: “Sự xuất hiện của hạ tầng trực tuyến, như Bilibili đã thúc đẩy ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc. Không như trước đây, phim hoạt hình chỉ được chiếu trên tivi, thì nay nó đã được chiếu trực tuyến, thu hút nhiều người xem. Một số hạ tầng trực tuyến, như Bilibili, có thể hỗ trợ vốn sản xuất phim hoạt hình”.
“The Legend of the Nezha” (2019) là bước ngoặt của ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc. Đây là phim hoạt hình IMAX 3D đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc, mang về doanh thu 5 tỉ RMB, trở thành phim có doanh thu cao thứ hai trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc. Li Haoling cho rằng, hoạt hình Trung Quốc khởi sắc kể từ “Monkey King: Hero is Back” (2015), khi ra rạp thành công, thu hút khán giả quan tâm đến hoạt hình trong nước. Tuy nhiên, về kỹ thuật và quy mô khán giả, Trung Quốc vẫn kém hơn so với Mỹ, Nhật Bản. Do đó, Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm sự hợp tác từ Hollywood.
“The First Super Hero” là dự án hợp tác Trung - Mỹ với người giám sát, sản xuất là Jacques Stroweis. Những dự án như thế này thường nhận được sự chú ý từ các công ty phương Tây, mở lối thoát phòng vé cho phim hoạt hình Trung Quốc. Li Haoling, người sáng lập Haoliners Animation, nói: “Trước đây không ai chú ý đến phim hoạt hình Trung Quốc. Bây giờ mọi thứ đã tốt hơn. Nhưng chúng tôi vẫn đứng sau Nhật. Tạo một thương hiệu hoạt hình mất rất nhiều thời gian, từ làm truyện tranh đến phim hoạt hình, phát triển các sản phẩm phụ. Nhật Bản có nhiều kiên nhẫn hơn trong vấn đề này”. Jacques Stroweis nói: “Các nhà làm phim phương Tây dày dặn kinh nghiệm, kiểm soát tốt. Các nhà làm phim Trung Quốc lại trực quan và ngẫu hứng hơn, có xu hướng tạo thay đổi. Điều đó thích hợp để hợp tác với đối tác sáng tạo và kỹ thuật từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại, nhóm tài năng địa phương vẫn còn rất hạn chế và cần đào tạo, hướng dẫn”.
Jacques Stroweis cũng nhìn nhận hoạt hình Trung Quốc đang dần cải tiến công nghệ và tập trung cho nhân lực hơn. Chẳng hạn, Bilibili đã phát triển một chuỗi sản xuất toàn diện các thương hiệu hoạt hình Trung Quốc. Người đại diện phát ngôn của công ty này, nói: “Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã đầu tư gần 30 đội hoạt hình chuyên nghiệp tại Trung Quốc, những người sản xuất hoặc hợp tác sản xuất, với hơn 90 tác phẩm”.
MINH NHIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)