Chương trình Rap Việt.
Thời hoàng kim của gameshow nhạc Việt không chỉ có ý nghĩa về tỷ suất người xem, mà những Viet Nam Idol (ra mắt mùa đầu tiên năm 2007), Giọng hát Việt (2012), Gương mặt thân quen (2014)... đã tạo ra những ngôi sao trẻ của làng nhạc như Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Vũ Cát Tường, Hoài Lâm... Tuy nhiên, đến mùa Giọng hát Việt 2015 với quán quân là Đức Phúc, các gameshow âm nhạc sau đó không chỉ không còn tạo ra ngôi sao nữa, mà dần tiến đến sự bão hòa. Đặc biệt là khi các “phiên bản nhí” của các chương trình trên ra đời, đã khiến khán giả “ngộp” với loạt chương trình có định dạng và những gương mặt quen thuộc. Dù hầu hết gameshow âm nhạc chiếm sóng giờ vàng các kênh truyền hình lớn vào cuối tuần, nhưng phải vất vả cạnh tranh với gameshow hẹn hò, hài kịch…
Đến 2020, gameshow âm nhạc lại có sức bật mới. Bên cạnh những chương trình Sàn chiến giọng hát, Giọng ải giọng ai, Ca sĩ bí ẩn, Người hát tình ca... vẫn còn sức hút thì một số chương trình mới đã ra mắt: Rap Việt, King Of Rap, Ca sĩ ẩn danh… Trong đó King of Rap và Rap Việt đều tìm kiếm tài năng âm nhạc cùng thể loại nhạc, nhưng vẫn thu hút khi sáng tạo khung chương trình mới bên cạnh yếu tố lần đầu tiên khai thác thể loại Rap/Hip-hop trên sóng truyền hình và có nhân tố mới về cả giám khảo lẫn thí sinh. Với ưu thế về truyền thông, hầu như tất cả các tập của Rap Việt đều chiếm top 1 bảng thịnh hành (trending) Youtube Việt Nam; còn King of Rap có nhiều bài biểu diễn của thí sinh cũng lọt top này. Trong khi đó, Ca sĩ ẩn danh có tỷ suất người xem đạt mức 3.3 cả nước.
Sức hút của những chương trình này đến từ sự mới lạ, sáng tạo. Cả ba đều được mua bản quyền từ các chương trình rất thành công ở nước ngoài: Rap Việt có định dạng từ The Rapper (Thái Lan), King of Rap là phiên bản của Show Me the Money (Hàn Quốc), còn Ca sĩ ẩn danh từ Shadow Singer (Hàn Quốc) nhưng được làm lại phù hợp với nước ta. Nội dung các chương trình được khai thác đa chiều hơn, thí sinh cũng có không gian bộc lộ cá tính hơn, sự tương tác với khán giả cởi mở hơn.
Tuy nhiên, có một điều dễ thấy ở các gameshow âm nhạc mới này là tính chất tìm kiếm, đào tạo và thúc đẩy sự phát triển của tài năng âm nhạc không còn được đặt lên hàng đầu; thay vào sự giải trí với những câu chuyện bên lề đôi khi được đẩy thành sự kiện truyền thông cho chương trình và trên các mạng xã hội. Điều này sẽ thỏa mãn cảm xúc ngay khi thưởng thức chương trình của khán giả, nhưng sẽ không tác động về lâu dài với sự nghiệp của các thí sinh và với sự phát triển âm nhạc nói chung.
BẢO LAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)